Biết "đủ".
Hình như sâu thẳm trong mỗi con người đều có mong muốn mình sẽ trở nên đặc biệt, được quan tâm đặc biệt bởi một người hoặc nhiều người khác, được tôn vinh, được ngưỡng mộ. Cái tôi, cái bản ngã thèm muốn những điều đó.
Rồi chúng ta phóng chiếu cái ham muốn đặc biệt ấy lên mọi thứ, mọi người xung quanh. Ta muốn cái xe ta đi, túi xách ta cầm, đôi giày ta mang, chiếc điện thoại ta sử dụng, ngôi nhà ta ở đều phải đẹp đẽ cao sang. Ta lại còn muốn vợ/chồng ta tài giỏi, khéo léo, tâm lý hơn vợ/chồng người khác, con ta phải thông minh nhanh nhạy thế này thế nọ.
Không phải đây chính là nguồn gốc của biết bao đau đớn, khổ sở dày vò tâm trí của chính chúng ta sao?
Giá mà ta sớm nhận ra rằng, ta là duy nhất trên đời đã đủ đặc biệt rồi. Phần sáng hay phần tối, ưu điểm hay nhược điểm, đều góp phần tạo nên một chỉnh thể đặc biệt là bản thân ta. Nếu một ngày ta có thể nhận ra rằng: "À, mình cũng chỉ là một người bình thường thôi, có lúc này lúc nọ, có lúc giỏi giang có lúc sai lầm", tự nhiên những lời bàn tán hay chê trách từ người khác sẽ không đáng sợ như trước nữa.
Nếu ta biết chấp nhận và yêu thương bản thân mình cả những lúc xấu xí và vô dụng nhất, ta cũng sẽ hiểu ra rằng: "Vợ/chồng mình cũng là người bình thường thôi, lúc vui vẻ thì ngọt ngào yêu thương, lúc mệt mỏi là như lột xác thành người khác. Con mình cũng chỉ là đứa trẻ bình thường, có lúc ngoan ngoãn có lúc như dở hơi, nhưng vẫn phát triển và lớn lên giống như bao em bé ngoài kia".
Bất kì ai cũng có sẵn một số thứ và không có rất nhiều thứ. Biết đủ cũng là một dạng hạnh phúc. Biết đủ, biết vừa lòng với cái sẵn có không có nghĩa ta dừng lại, giậm chân tại chỗ. Ta vẫn cứ đi, vẫn cứ bước tiếp trên con đường của mình nhưng trong một tâm thế hoàn toàn khác. Ta không vội vàng, không cần phải chạy đua với ai, cứ thế mà đi, lúc nhanh lúc chậm tuỳ ý, không lo lắng về quá khứ, cũng không cần bận tâm đến tương lai. Như vậy chẳng phải vui hơn rất nhiều sao?
Chuyên gia: Trần thị minh Phúc