Tâm bệnh.
Cập nhật : 08/05/2018
Điều này không ai tránh được. Tuy nhiên, cha mẹ có thể giúp con xây dựng quá trình tâm lý nội lực để con vượt qua giai đoạn khó khăn một cách tích cực. Thời thơ ấu (0-6 tuổi) là giai đoạn tâm lý con dễ tổn thương nhất
Tâm bệnh.
Từ nhỏ mình đã luôn tò mò về động cơ và cảm xúc của mọi người đằng sau hành động của họ. Mình thường dành nhiều thời gian suy nghĩ không chỉ về lời nói mà còn về ánh mắt, điệu bộ, cử chỉ đi kèm. Sau đó thì luôn cố tìm câu trả lời cho những câu hỏi như: "Tại sao họ lại làm thế? Lúc đó họ đang cảm thấy như thế nào? Liệu họ đã và đang trải qua chuyện gì khiến họ hành động như vậy?". Cảm giác giống như đang chơi sudoku phiên bản đặc biệt. Và mỗi lần tìm thấy câu trả lời, mình lại thêm 1 lần nhận ra: "À, thì ra mỗi người đều có câu chuyện của riêng mình". Đó cũng là động lực đầu tiên khiến mình thích nghiên cứu về tâm lý học.
Bản thân mình cũng từng trải qua rất nhiều vấn đề về tâm lý. Mặc dù mình thường có thói quen tự phân tích và tự tìm lối thoát, nhưng thực sự nhiều lúc nhìn lại quá khứ thấy nhiều quãng mịt mờ u tối lắm. Vì thế sau khi nhận ra con gái nhỏ có xu hướng quá đa cảm và nhạy cảm, mình quyết tâm phải tìm hiểu vấn đề này kĩ hơn. Phải tự cứu lấy mình trước rồi mới giúp đỡ được con, để con có khả năng kiểm soát và đối phó tốt hơn với những cảm xúc tiêu cực ập đến bất kì lúc nào.
Tìm hiểu rồi mới thấy, hoá ra có quá nhiều người gặp rắc rối về tâm lý mà không hề biết, thường gặp nhiều ở nữ, ở người hướng nội, ở các nước khuyến khích sống vì cộng đồng, kìm nén cảm xúc cá nhân, ở các gia đình bố mẹ con cái không hoà hợp và bất kì lứa tuổi nào đều có thể bị. Đời sống tinh thần còn liên quan mật thiết đến sức khoẻ cơ thể. Tâm bệnh không được nhận biết và xử lý sẽ thể hiện ra dưới hình thức bệnh tật khắp người, tái đi tái lại. Nó nguy hiểm không kém gì những căn bệnh nan y, đặc biệt đối với những cá nhân quá nhiều cảm xúc.
Vậy là cha mẹ, chúng ta có thể làm gì để xây dựng một đời sống tinh thần khoẻ mạnh cho con? Trong quá trình sống, nhiều sự kiện khách quan sẽ xảy ra khiến con mất cân bằng và rơi vào trạng thái căng thẳng, áp lực, lo âu. Điều này không ai tránh được. Tuy nhiên, cha mẹ có thể giúp con xây dựng quá trình tâm lý nội lực để con vượt qua giai đoạn khó khăn một cách tích cực. Thời thơ ấu (0-6 tuổi) là giai đoạn tâm lý con dễ tổn thương nhất, cũng là giai đoạn con hình thành sự tự tin, tự đánh giá bản thân. Sự tự tin biểu hiện qua tính tự lập, tự đứng 1 mình đảm nhận công việc, tự đối diện với những lo âu và hụt hẫng về tâm lý, chủ động đưa ra sáng kiến riêng để giải quyết vấn đề.
Điều kiện để trẻ hình thành sự tự tin trong giai đoạn này là trẻ phải có cảm giác an toàn bên cạnh cha mẹ, cảm giác này tạo đà để trẻ khai phá thế giới, dạy trẻ cách tác động đến môi trường xung quanh, cách giao tiếp với mọi người. Dù sớm hay muộn, tiến độ nhanh hay chậm, cha mẹ cần tạo điều kiện cho con được tự xử lý những nhu cầu cá nhân, tự giao tiếp, tự bộc lộ cảm xúc, quan điểm, được giúp đỡ công việc gia đình càng nhiều càng tốt.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên khuyến khích con tự suy nghĩ và hiểu về cảm xúc của bản thân, tìm ra nguyên nhân nguồn gốc những cảm xúc đó và có phương án phù hợp giải toả cảm xúc tiêu cực tuỳ tình huống.
Quá trình này dài và yêu cầu sự có mặt cũng như nỗ lực lớn từ cha mẹ, nhưng nó cũng chính là liều thuốc quý cho một cuộc sống bình an, yên vui của con sau này.
Chuyên gia: Trần thị minh Phúc

Tin liên quan