Khảo về nghĩa Mộng
1 Âm, dương thành mộng Sách Nội kinh của vua Hoàng đế nói rằng: "Âm thịnh thì mộng lội nước to sợ sệt, dương thịnh thì mộng lửa to cháy bùng. Âm, dương đều thịnh thì mộng giết nhau, trên thịnh thì mộng bay, dưới thịnh thì ngã No lắm thì mộng cho người của, đói lắm thì mộng lấy của người, khí can (gan) thịnh thì mộng giận, khí phế (phổi) thịnh thì mộng khóc.
2 Hư, thật thành mộng Sách Loại thuyết của ông Lã đông lai rằng: "Hình thể tiếp nhau mà thành việc, tinh thần gặp nhau mà thành mộng. Hư phù thì mộng cử dương, trầm thật thì mộng chìm đuối, nằm đai thì mộng thấy rắn, nằm khăn thì mộng thấy chim. Ngậm tóc thì mộng bay, sắp mưa dầm thì mộng thấy nước, sắp tạnh trời thì mộng thấy lửa, sắp bị bệnh thì mộng thấy ăn, sắp bị lo thì mộng thấy múa hát".
3 Hư tịnh (tĩnh) thành mộng Bài Điều thần luận của Tôn Chân nhân rằng: "Phàm mộng đều nhân hồn vía chẹn lấp ở khu thể, chẳng được lưu thông, đêm thì hồn vía hư tịnh, thần sẽ biểu cho điềm cát, hung sắp tới, mà mộng sinh ra. Nửa đêm về trước, mộng thấy có việc, ứng tại xa, nửa đêm về sau, mộng thấy cái hình, ứng tại gần".
4 Hồn an không có mộng Sách Tây sơn ký của Tôn Chân nhân nói rằng: "Muốn không có mộng xấu thì đừng ăn những vật thuộc về bản mệnh và những thị trâu, chó, cá, ba ba chớ nghĩ những sự tà dâm, quái nguỵ, bội nghịch, chớ giết giống súc vật, ngủ ắt ngảnh đầu hướng Đông, được thụ sinh khí, ngảnh mặt ngoài thì hồn an, tự nhiên không có mộng".
5 Sửa đức trừ mộng Sách Tân tự nói rằng: "Ông vua mộng điềm xấu thì sửa đức, quan lớn mộng điềm xấu thì sửa chức quan, quan nhỏ và kẻ dân mộng điềm xấu thì sửa mình, như vậy thì tai vạ tự nhiên tan đi hết".
6 Phun nước giải mộng Sách Mao đình Khách Thoại rằng: "Người ta chứa khí âm nhiều thì mộng luôn, khí dương nhiều thì mộng thưa, có cũng chẳng nhớ người mù không có mộng, người ngu ít mộng". Sách Dưỡng tính luận rằng: "Có mộng chẳng nên nhớ, chỉ lấy nước sạch phun ra hướng Đông mà nói rằng: "Mộng dữ theo cỏ cây, mộng lành thành châu ngọc". Sẽ không có can hữu gì.