Lão tử đạo đức kinh

Phần 1 - Chương 1: Đời Sống

Cập nhật : 13/11/2014

Phần 1 - Chương 1: Đời Sống

Lão tử là một hiện tượng khá lạ trong lịch sử triết học của nhân loại. Ông là một triết gia lớn, ảnh hưởng tới cả Đông Á ngang với Khổng tử, thời nào cũng được dân tộc Trung Hoa tôn trọng không như Mặc tử mà tên tuổi bị chìm luôn trong hai ngàn năm; có phần còn hơn Khổng tử nữa vì chưa hề bị mạt sát tàn nhẫn như họ Khổng trong bảy tám chục năm nay; mà từ năm 165 (đời Hậu Hán) lại còn được Đạo gia tôn làm Thái Thượng Lão quân, một trong ba vị thần tối cao của họ; đền thờ ông, Đại thanh cung, tương truyền dựng ở tại nơi ông sinh, hiện nay vẫn còn ở tỉnh Hà Nam, hương khói lúc này chắc đã lạnh, nhưng pho tượng cao bốn mét của ông thì may ra vẫn còn. Vậy mà chúng ta không biết gì chắc chắn về đời ông, về cả tác phẩm bất hủ mang tên ông nữa, mặc dầu Trung Hoa là dân tộc sớm biết trọng sử nhất thế giới ngay từ đời Chu, ba ngàn năm trước, họ đã có các sử quan ghi chép những biến cố quan trọng từng năm cho mỗi triều đại.
 
Từ thời Tư Mã Thiên, bao nhiêu người tra cứu đủ các sách cổ để tìm hiểu Lão tử tên thật là gì, sống ở thời nào, làm gì, tiếp xúc với những ai, nhưng chỉ đưa ra được những giả thuyết, và càng bàn lại càng thêm rối vì ý kiến mâu thuẫn nhau, tới nỗi có người – một học giả Nhật Bản tên là Tân Điền Tả Hữu Cát – phủ nhận hết thảy, bảo Lão tử là một con người huyền thoại, không hề có!
 
Ngay đến tác phẩm Lão tử (Đạo Đức kinh là tên đời Hán đặt cho) rất ngắn, mà mỗi nhà chấm câu một khác, tới nay đã có trên hai trăm bản hiệu đính, giải thích, làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Lại thêm tác phẩm đó do ai viết, xuất hiện thời nào, cũng là vấn đề nan giải nữa. Riêng La Căn Trạch, trong cuốn Chư tử khảo sách (Nhân dân xuất bản xã – Bắc Kinh – 1958) cũng đã viết ba bài, tổng cộng trên 30.000 chữ để góp ý kiến về con người Lão tử và tác phẩm Lão tử và đã làm một bảng kiệt kê kiến giải của trên ba chục học giả trước ông và đồng thời với ông. Mà rốt cuộc, các nghi vấn của người trước nêu ra vẫn còn là nghi vấn, có thể sẽ vĩnh viễn là nghi vấn, không làm sao giải nổi. Một triết gia với một tác phẩm chỉ khoảng năm ngàn chữ - mươi, mười lăm trang sách – mà làm cho hậu thế thắc mắc, hao tốn tâm trí như vậy, có thế nói là không tiền khoáng hậu trong lịch sử. 
 
1. Sự tích Lão tử 

 
Đời sống của Lão tử được chép lần đầu tiên trong bộ Sử kí của Tư Mã Thiên phần Liệt truyện, thiên 63: Lão tử, Trang tử, Thân Bất Hại, Hàn Phi. Toàn văn như sau:
 
1. Lão Tử là người làng Khúc Nhân, hương Lệ, huyện Hỗ, nước Sở; họ Lí, tên Nhĩ, tự là Đam (), làm quan sử, giữ kho chứa sách của nhà Chu.

 
Khi Khổng tử qua 
Chu, lại hỏi Lão tử về lễ, Lão tử đáp:
 
“Những người ông nói đó, thịt xương đều đã nát thịt cả rồi, chỉ còn lại lời của họ thôi. Vả lại, người quân tử nếu gặp thời thì ngồi xe ngựa, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân. Tôi nghe nói người buôn giỏi thì giấu kĩ vật quí, coi ngoài như không có gì; người quân tử đức cao thì dong mạo như ngu độn. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòng đa dục, cái vẻ hăm hở cùng cái chí quá hăng của ông đi, những cái đó không có ích gì cho ông đâu. Tôi chỉ khuyên ông có bấy nhiêu thôi”.

 
Khổng tử về, bảo môn sinh: “Loài chim, ta biết nó bay được; loài cá ta biết nó lội được; loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, lội thì ta dùng câu để bắt, bay thì ta dùng tên để bắn. Đến loài rồng cưỡi gió mây mà lên trời thì ta không sao biết được. Hôm nay ta gặp ông Lão tử, ông ta là con rồng chăng?”.

 
Lão tử trau giồi đạo đức; học thuyết của ông cốt ở chỗ giấu mình, ẩn danh. Ông ở nước Chu đã lâu, thấy nhà 
Chu suy bèn bỏ đi. Đến cửa quan, viên coi quan là Doãn Hỉ bảo: “Ông sắp đi ẩn, rán vì tôi mà viết sách để lại”. Thế là Lão tử viết một cuốn gồm hai thiên thượng và hạ, nói về ý nghĩa của “Đạo” và “Đức”, được trên năm ngàn chữ. Viết xong rồi đi, không ai biết chết ra sao, ở đâu.
 
Có người bảo: Lão Lai tử cùng là người nước Sở, viết mười lăm thiên sách nói về công dụng của Đạo gia cũng đồng thời với Khổng tử.

 
Đại khái Lão tử sống trên 160 tuổi, có người bảo trên 200 tuổi, nhờ ông tu đạo để kéo dài tuổi thọ.

 
Sau khi Khổng tử mất 129 năm, sử chép rằng viên Thái tử nhà Chu tên là Đam , yết kiến Tần Hiến công, tâu: “Mới đầu Tần hợp với Chu, hợp được 500 năm rồi thì tách ra, tách được 70 năm thì có một bá vương xuất hiện”.

 
Có người bảo Đam đó tức là Lão tử, có người lại bảo không phải. Không biết sự thực đó ra sao.

 
Lão tử là một bậc quân tử ở ẩn. Con ông tên là Tôn, làm tướng quốc nước Nguỵ, được phong đất ở Đoan Can. Con của Tôn là Chú, con của Chú là Cung, chút của Cung là Giả (hay Giá). Giả làm quan dưới triều Hiếu Văn đế nhà Hán. Con của Giả là Giải làm Thái phó của Giao Tây vương tên là Ngang, do đó mà cư trú ở Tề.

 
Người đời hễ theo thuyết của Lão thì chê bai Nho học, mà theo Nho học thì cũng che bai Lão tử. “Đạo khác nhau thì khó cùng bàn với nhau được”, là nghĩa vậy chăng? Lí Nhĩ chủ trương chỉ cần “vô vi” mà dân sẽ tự cải hoá, “thanh tĩnh” mà dân sẽ tự nhiên thuần chính.
 
Cũng trong bộ Sử kí còn một đoạn nữa chép lời Lão tử khuyên Khổng tử:
 
“Tôi nghe nói người giàu sang tiễn nhau bằng tiền bạc, người nhân tiễn nhau bằng lời nói. Tôi không phải là người giàu sang, mạn phép tự coi là người nhân mà tiễn ông bằng lời này: kẻ thông minh và sâu sắc thì khó sống vì ham phê bình người; kẻ giỏi biện luận, biết nhiều thì nguy tới thân vì hay nêu cái xấu của người. Kẻ làm con và kẻ làm tôi đều không có cách gì để giữ mình cả”. (Phần Thế gia – Thiên 47 – Khổng tử).
 
Để viết hai đoạn trên, Tư Mã Thiên đã dùng nhiều sử liệu về Lão tử thời Tiên Tần để lại; đặc biệt là các sử liệu trong bộ Trang tử (các thiên Thiên đạo, Ngoại vật, Thiên vận…), các bộ sử cổ hoặc gia phả họ Lão, có thể cả trong cuốn Quan Doãn tử nữa (coi La Căn Trạch – sách đã dẫn – tr.255).
 
Ngoài ra, các bộ Tuân tửHàn Phi tửChiến Quốc sáchLã Thị Xuân Thu cũng nhắc đến Lão tử, nhưng chỉ phê bình học thuyết chứ không cho biết gì thêm về đời sống của ông trừ điểm này: Lão tử là thầy học của Khổng tử (Lã Thị Xuân Thu, thiên Đương nhiễm) mà không ai có thể tin được.
 
Phải đợi tới khoảng hai thế kỉ sau khi bộ Sử kí của Tư Mã Thiên ra đời, chúng ta mới thấy được một tài liệu nữa trong bộ Tiểu Đái kí, thiên Tăng tử vấn, thuật lại việc Khổng tử hỏi Lão tử về lễ. Tất cả gồm bốn cố sự, đều do Khổng tử kể lại lời của Lão tử về việc giữ bài vị của tổ tiên, về việc chôn cất, về việc để tang (cố sự 1, 3, 4). Duy có cố sự 2 đáng cho ta để ý: Lần đó Khổng tử theo Lão tử làm trợ táng ở Hạng Đảng, giữa đường gặp nhật thực. Lão tử bảo: “Khâu! Ngừng lại, đặt quan tài ở lề đường bên phải, ngưng tiếng khóc để đợi sự biến đổi”. Khi hết nhật thực rồi, đám táng mới tiếp tục đi. Lão tử bảo: “Như vậy là lễ” (…).
 

Đại khái những tài liệu chúng ta biết được về Lão tử chỉ có bấy nhiêu.
 
Tư Mã Thiên đã tốn công tra cứu trong tất cả các sách cổ, thận trọng ghi hết những ý kiến khác nhau của nhiều người và gợi cho người sau nhiều điểm nghi vấn mà chúng tôi sẽ lần lượt xét cùng với ý kiến của một số học giả gần đây.
 
2. Quê quán

 
Các bản Sử kí lưu hành hiện nay đều chép là Lão tử gốc ở làng Khúc Lí, hương Lệ , huyện Hỗ  nước Sở. Nhưng có nhà như Lục Đức Minh, Khổng Dĩnh Đạt… lại bảo Sử kí chép là nước Trần, huyện Tương , hương Lại  hoặc . Vậy có nhiều bản Sử kí do người sau đã tự ý sửa lại. Không sao biết được bản nào là gốc; chỉ biết Tư Mã Thiên không đưa ra một giả thuyết nào khác, không coi quê quán của Lão tử là một nghi vấn, mà đa số học giả từ trước tới nay đều theo thuyết: nước Sở, huyện Hỗ, hương Lệ.
 
Thực ra về địa điểm, các thuyết đó đều giống nhau, chỉ có tên gọi là khác:
 
-  厲 賴 瀨 thời xưa đọc như nhau, thay cho nhau.
 
- Huyện  cũng chính là huyện , thời Chiến Quốc gọi là Hỗ, thời Xuân Thu gọi là Tương.
 
- Và Trần cũng là Sở: thời Xuân Thu là nước Trần, năm 478, tức sau khi Khổng tử mất được một năm, Trần bị Sở diệt.
 
Về địa điểm mỗi cách gọi có một ý nghĩa quan trọng; gọi là Sở là Hỗ, có thể ngầm nhận rằng Lão tử là người thời Chiến Quốc, mà gọi là Trần, Tương thì có thể ngầm nhận rằng ông là người thời Xuân Thu. Nhưng chúng tôi cho rằng Tư Mã Thiên có lẽ không dùng chữ chính xác tới mức đó; vì một mặt ông khẳng định Lão tử là người nước Sở (cho nên ở dưới ông mới viết: “Lão Lai tử cũng () là người Sở”), huyện Hỗ, tức dùng những tên thời Chiến Quốc; một mặt ông lại bảo Lão tử gặp Khổng tử ở thời Xuân Thu. Có thể đó chỉ là do ông sơ ý chứ chúng ta chưa nên vội cho ông là mâu thuẫn với chính ông.
 
3. Tên họ

 
Tư Mã Thiên bảo Lão tử họ Lí, tên Nhĩ, tự là Đam; ông có vẻ tin như vậy nhưng cũng đưa thêm hai thuyết nữa mà ông nhận rằng không biết đúng hai sai: một thuyết Lão tử là Lão Lai tử, cũng người nước Sở, cũng viết sách, đồng thời với Khổng tử; một thuyết, Lão tử là viên thái sử nhà Chu cũng tên là Đam, nhưng chữ Đam này , yết kiến Tần Hiến Công vào khoảng năm 350 thời Chiến Quốc.
 
Họ, tên, và tên tự đó rất thông dụng từ xưa tới nay. Tên là Nhĩ (tai), tự là Đam  (tai dài) thì rất hợp. Theo truyền thuyết Lão tử lại rất thọ, cho nên người ta còn gọi Lão Đam (ông già tai dài), và vì tôn trọng mà gọi là Lão tử.
 
Người đầu tiên chúng tôi được biết đã bác thuyết “họ Lí” là Dư Bồi Lâm (sách đã dẫn). Dư bảo:
 
“Tra khắp các sách cổ thì thời Xuân Thu không có họ Lí, mãi đến thời Chiến Quốc mới có Lí Khối, Lí Khắc, Lí Mục v.v…, như vậy đủ biết họ Lí xuất hiện rất trễ. Lão tử phải họ Lão. SáchTả truyện, năm 15 đời Thành công có Lão Tá, năm 14 đời Chiêu công có Lão Kì, Luận ngữcó Lão Bành, Sử kí có Lão Lai. Không thể tra khảo để biết Lão tử có thuộc dòng họ những người đó không, nhưng không còn nghi ngời gì nữa, thời cổ đã có họ Lão rồi. Vả lại các triết gia thời Tiên Tần đều gọi bằng họ, như Khổng tử, Mặc tử, Trang tử, Tuân tử, Hàn tử, không nhà nào không như vậy. Lão tử không ra ngoài lệ đó. Gọi là Lão tử, chứ không Lí tử, là Lão Đam chứ không Lí Đam, như vậy rõ ràng là họ Lão chứ không phải họ Lí. Họ Lão, mà gọi lầm ra họ Lí, do lẽ hai chữ Lão, Lí đọc hơi giống nhau, cũng như Tuân  Khanh bị gọi nhầm là Tôn Khanh vậy”.  
 
Dư Bồi Lâm có lí trừ điểm cuối cùng: Lí khó lầm với Lão được. Thuyết đó ông mới đưa ra năm 1973 ở Đài Loan, không biết đã có ai phê bình chưa.
 
4. Chức tước

 
Lão tử làm quan sử, giữ kho sách của nhà 
Chu, tức như chức Giám đốc thư viện Quốc gia ngày nay. Điểm này, Tư Mã Thiên chép theo thiên Thiên đạo trong Trang tử. Đời sau không thấy ai nghi ngờ mà cũng không ai tìm ra được dưới thời vua nào của nhà Chu (sử Chu không chép).
 
5. Lão tử với Khổng tử có gặp nhau không? Khổng tử có hỏi Lão tử về lễ không?

 
Vấn đề này gây nhiều cuộc tranh luận nhất, tới nay vẫn chưa giải quyết xong.
 
Chúng ta hãy để riêng ra chủ trương của Diệp Thích, Tống Dật Danh, Đàm Giới Phủ, Tiền Mục cho rằng có hai Lão tử: một Lão tử giảng lễ cho Khổng tử và một Lão tử, tác giả cuốnLão tử. Chủ trương đó cơ hồ không ai chấp nhận.
 
Còn lại các học giả khác thì xét chung, trước đời Thanh hầu hết ai cũng tin rằng Khổng tử có yết kiến Lão tử để hỏi về lễ; từ đời Thanh mới có và nhà ngờ rằng không, gần đây số người chủ trương “không” đông hơn số người chủ trương “có”.
 
Trong phái chủ trương “có”, phải kể Hồ Thích, Cao Hanh, Quách Mạc Nhược; trong phái chủ trương “không”, có Tất Nguyên, Uông Trung, Lương Khải Siêu, Cố Hiệt Cương, La Căn Trạch v.v…
 
Chúng tôi nhắc lại, những đoạn ghi cuộc “vấn lễ” (hỏi về lễ) đó chép trong Sử kí và Tiểu Đái kí, mà chúng tôi dẫn ở trên. Ngoài ra còn những thiên Thiên địa, Thiên đạo, Thiên vận, Điền Tử Phương, Trí Bắc du trong Trang tử và thiên Đương nhiễm trong Lã thị Xuân Thu, cũng nhắc qua nhưng không cho biết thêm gì cả.
 
Đại khái phái chủ trương “có” đưa ra những lí lẽ này:
 
1. Sách thời Chiến Quốc có tới bảy tám chỗ nói về việc vấn lễ đó, không thể là bịa hết được.
 
2. Tư Mã Thiên là một Nho gia rất sùng bái Khổng tử, lại là một sử gia rất có lương tâm, nếu không có tài liệu chắc chắn thì sao lại chép truyện vấn lễ đó, nó làm giảm giá trị của Khổng tử đi; hơn nữa ở bài Tựa trong thiên Trọng Ni đệ tử (phần Liệt truyện), ông còn kể tên mấy người mà Khổng tử rất trọng: Lão tử ở Chu, Cừ Bá Ngọc ở Vệ, Án Bình Trọng ở Tề, Lão Lai tử ở Sở, Tử Sản ở Trịnh, Mạnh Công Xước ở Lỗ. Năm người sau đều là nhân vật có thật, sử chép rõ ràng, không có lí gì duy Lão tử lại không có thật, vậy thì việc vấn lễ cũng có nữa.
 
3. Lễ kí là một bộ kinh của Nho gia, những người biên tập bộ đó (Lưu Hướng, Đái Đức, Đái Thánh) tất phải là những Nho gia thận trọng, nhất là trong thiên Tăng tử vấn có chép rằng Lão tử và Khổng tử đi trợ táng ở Hạng Đảng, giữa đường gặp nhật thực. Việc đó tất có thực, chứ người ta bịa ra truyện nhật thực làm chi.
 
Dư Bồi Lâm (sách đã dẫn) cho rằng Khổng tử gặp Lão tử tới hai lần: lần thứ nhất năm ông 34 tuổi, lần sau hồi ông 51 tuổi ở đất Bái (theo Trang tử). Những cuộc đàm thoại chép trong Sử kí và việc trợ táng chép trong Tăng tử vấn đều xảy ra trong lần thứ nhất; còn lần thứ nhì thì chưa tìm thêm được tài liệu gì cả.
 
Phái chủ trương “không” bác những lẽ đó:
 
1. Sách thời Chiến Quốc có nhiều chỗ nói về việc vấn lễ đó thực, nhưng đều ở trong Ngoại thiên, Tạp thiên bộ Trang tử và Tăng tử vấn bộ Tiểu Đái kí, những thiên đó trong Trang tửđều không đáng tin, có nhiều phần chắc rằng tác giả là Đạo gia ở cuối thời Chiến Quốc chịu ảnh hưởng của Nho gia chứ không phải của Trang tử và của những Nho gia chân chính. Câu Khổng tử bảo Lão tử là con rồng rút trong thiên Thiên vận, sách Trang tử, truyện đó chỉ đáng coi là một ngụ ngôn.
 
Còn chuyện đi trợ táng ở Hạng Đảng (trong Tăng tử vấn) gặp nhật thực, có điểm đáng nghi là Hạng Đảng ở đâu, không ai biết; có người ngờ là ở Lỗ, có người ngờ là ở Tống, chứ không phải ở Chu.
 
2. Vả lại ngay việc Khổng tử qua 
Chu nghiên cứu về Lễ cũng chưa chắc đã đúng. Khổng tử thế gia bảo Nam Cung Kính Thúc xin Lỗ Chiêu công cấp phương tiện cho Khổng tử sang Lạc ấp ở Chu khảo về lễ. Năm đó là năm Chiêu công 24, tức năm -518, Khổng tử 34 tuổi. Vua Lỗ cấp cho một cổ xe với hai ngựa và một đứa nhỏ rồi Nam Cung Kính Thúc cùng đi với Khổng tử. Nhưng theo La Căn Trạch (sách đã dẫn – tr.254), năm đó Nam Cung Kính Thúc tuổi mới 14, làm sao được vào yết kiến vua để xin việc đó, làm sao vua Lỗ cho qua Chu được.
 
Dư Bồi Lâm còn nói Khổng tử qua 
Chu lần thứ nhì hồi ông 51 tuổi. Điều này cáng khó tin hơn nữa. Năm này (Định công 9) Khổng tử thăng chức Tư không, bận việc triều đình, thì giờ đâu mà qua Chu và qua Chu để làm gì?
 
3. Nếu Khổng tử hồi đó đã nổi danh, được Khổng tử kính trọng như vậy thì tại sao bộ Luận ngữ (bộ sách đáng tin nhất về đời Khổng tử) không thấy chép, mà tất cả các sách đầu đời Chiến Quốc như Mặc tửMạnh tử nữa cũng không thấy chép?
 
Trong Luận ngữ chỉ có mỗi một đoạn ở đầu thiên Thuật nhi nói đến một người họ Lão, tức Lão Bành. Đoạn đó như sau:
 
Tử viết: “Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ, thiết tỉ ư ngã Lão Bành”. (Khổng tử nói: Ta thuật lại đạo của thánh hiền chứ không sáng tác gì mới; ta tin và hâm mộ đạo cổ nhân. Ta trộm ví ta với ông Lão Bành). 
 
Không ai biết chắc ông Lão Bành đó là ai. Có người bảo là Bành Tổ, mà Bành Tổ sống bảy tám trăm tuổi, là bề tôi của vua Nghiêu; có người bảo là một đại phu đời Thương; có người bảo Lão bành là Lão Đam, tức Lão tử, nhưng Bành  mà sao thành Đam   được? Lại có thuyết Lão, Bành là hai người: Lão Đam và Bành Tổ. Thuyết này càng vô lí hơn nữa. 
 
4. Vả lại Lão tử cực lực phản đối lễ. Chương 38 sách Lão tử chép: “Thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ. Phù lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ”. (Đạo mất rồi sau mới có đức, đức mất rồi sau mới có nhân, nhân mất rồi sau mới có nghĩa, nghĩa mất rồi sau mới có lễ. Lễ là biểu hiện sự suy vi của trung tín (trung hậu, thành tín), là đầu mối của sự hỗn loạn).

 
Một người mạt sát lễ là mầm loạn trong xã hội mà lại ủng hộ cái lễ phiền toái của nhà 
Chu nhưTăng tử vấn chép, thì thật là ngược đời. Vì vậy mà đời Tống đã có người bảo: “Ông Lão tử tuyệt diệt lễ nhạc với ông Lão tử mà Khổng tử tới hỏi lễ , không phải là một người” (trong cuốnLâm hạ ngẫu đàm của Ngô Tử Luông – do La Căn Trạch dẫn trong Chu tử khảo sáchtr.253). Chủ trương có hai Lão tử của Diệp Thích, Tống Dật Danh, Đàm Giới Phủ, Tiền Mục (coi lại đầu tiết này) có lẽ bắt đầu từ đó.
 
Tôi muốn nói thêm: “Ông Khổng tử trong Luận ngữ đề cao lễ nghĩa, coi trọng đạo trung hiếu với ông Khổng tử hỏi lễ Lão tử cũng không phải là một người”. Khổng tử trọng các ẩn sĩ nhưng vẫn giữ chủ trương của mình: tận tâm lo việc nước nhà, giáo hoá mọi người, lập trật tự trong xã hội, dù biết đạo mình không ai theo thì cũng cứ gắng sức làm. Cho nên khi Tử Lộ tử Lộ bảo hai ẩn sĩ là Tràng Thư và Kiệt Nịch chê ông phí công vô ích, không sao đổi đời loạn ra trị được, ông ngậm ngùi than: “Người ta không thể làm bạn với cầm thú được. Nếu ta chẳng sống chung với người trong xã hội thì sống với ai? Vả lại nếu thiên hạ trị rồi thì ta cần gì phải sửa đổi?” (Vi tử bài 6). Ông Khổng tử đó mà lại có thể nghe được lời khuyên này của Lão: “Kẻ làm con, kẻ làm tôi đều không có cách gì để giữ mình cả”, nghĩa là bỏ đạo làm con, làm tôi mà ở ẩn một mình trong rừng núi, làm bạn với cầm thú ư? Còn ông Lão tử kia đương làm quan sử cho nhà 
Chu sao có thể nói câu đó mà không ngượng?
 
Vì vậy truyện hỏi lễ đó dù được nhiều sách chép, dù được các nhà Nho và Tư Mã Thiên nữa thu thập, cũng không đáng cho ta tin.

 
Những lí lẽ của hai phái “có” và “không” đưa ra chỉ là những suy luận, không thể gọi là chứng cứ xác thực được; không bên nào thuyết phục nổi bên nào, nhưng riêng phần chúng tôi thì cho rằng lập luận của phái “không” dễ chấp nhận hơn.

 
5. Khi thấy nhà 
Chu suy rồi, Lão tử bỏ đi, tới cửa quan, viên quan coi cửa là Doãn Hỉ yêu cầu ông viết sách để lại. Ông viết xong rồi đi, sau không biết ở đâu, ra sao.
 
Sử kí chỉ chép là tới cửa quan, không nói là tới cửa quan nào. Nhưng thời đó nói “cửa quan” thì người ta hiểu là cửa Hàm Cốc, cửa ngõ qua Tần.

 
Còn Doãn Hỉ là ai? Chúng ta cũng không biết chắc. Vũ Đồng trong Trung Quốc triết học đại cương (quyển Thượng – tr.25 – Thương vụ ấn quán) không rõ căn cứ vào đâu bảo Doãn Hỉ sinh vào khoảng 440 đời Chu Khảo vuơng, mất vào 360 đời Chu Hiển vương, và là đồng bối của Dương tử, Lão tử, Liệt tử. Theo Hán chí chu tử lược thì Doãn Hỉ soạn cuốn Quan Doãn tử gồm 9 thiên (đã thất truyền, bản lưu hành ngày nay là nguỵ thư) rồi cùng với Lão tử đi ở ẩn.

 

Đi qua cửa Hàm Cốc là vào đất Tần. Thiên Dưỡng sinh chủ trong Trang tử bảo: “Lão Đam chết, Tần Dật (có sách chép là Tần Thất) lại điếu, khóc ba tiếng rồi ra”. Dưỡng sinh chủ ở trong phần Nội thiên, do Trang tử viết chỉ có thể tin được một phần thôi. Trang tử là một triết gia, thích thể ngụ ngôn, chứ không phải là một sử gia. Một sách khác còn cho biết Lão tử chết ở Phù Phong, chôn ở Hoè lí (làng Hoè). Chi tiết đó không có cách nào kiểm tra được, chỉ nênghi lại cho đủ thôi.
 
6. Lão tử có phải là Lão Lai tử không?

 
Tư Mã Thiên ngờ là không phải. Trong thiên Trọng Ni đệ tử, ông bảo Khổng tử vốn trọng Lão tử ở Chu, (…), Lão Lai tử ở Sở; như vậy ông coi Lão tử và Lão Lai tử là hai người rồi.
 
Trong truyện Lão tử ông viết: “Có người bảo: Lão Lai tử cũng là người nước Sở, viết mười lăm thiên sách nói về công dụng của Đạo gia, cũng đồng thời với Khổng tử”; còn Lão tử viết hai thiên nói về ý nghĩa của Đạo và Đức; như vậy cũng là hai người nữa.
 
Ông bảo Lão Lai tử đồng thời với Khổng tử; như theo Vũ Đồng (sách đã dẫn) thì sách Khổng Tùng tử bảo Lão Lai tử đồng thời với Tử Tư, cháu nội Khổng tử, có lần vấn đáp với Tử Tư.
 
Vậy Lão Lai tử là người có thật, nhưng chỉ giống Lão tử ba điểm: cùng họ Lão, cùng là người Sở, cùng thuộc phái Đạo gia; không thể bảo Lão Lai tử là Lão tử được.
 
Tư Mã Thiên có lí khi nghi ngờ thuyết trên, ông chỉ chép lời người ta đồn thôi. Không một học giả nào tin thuyết đó hết, không nên coi là một nghi vấn nữa.
 
7. Lão tử có phải là thái sử Đam  không?

 
Tư Mã Thiên theo truyền thống sử gia của Trung Quốc, giữ đúng nguyên tắc: “Xuân Thu chi nghĩa, tín dĩ truyền tín, nghi dĩ truyền nghi” (Cốc Lương truyện), cho nên chép thêm cả thuyết Lão tử là thái sử Đam nhà Chu, mà ông phê bình gì cả, chỉ bảo “sự thực ra sao”.
 
Như vậy thuyết đó đã có từ đời Tây Hán; nhưng tới thế kỉ XVIII mới được Tất Nguyên (trongĐạo Đức kinh khảo dị) và Uông Trung (trong Lão tử khảo dị) chủ trương, và gần đây học giả bênh vực nó mạnh nhất, kiên kì nhất là La Căn Trạch (trong sách đã dẫn).
 
Đại khái La đưa ra những lí do này:
 
1)  với  đồng âm, thời xưa dùng như nhau;
 
2) cả hai người đều làm sử quan nhà 
Chu;
 
3) cả hai đều qua cửa Hàm Cốc vì thái sử Đam đã có lần sang Tần yết kiến Tần Hiến công;
 
4) thuyết đó rất hợp với sự kiện này: hậu duệ đời thứ 8 của Lão tử (tên là Giải) đồng thời với hậu duệ thứ 13 của Khổng tử (tên Khổng An Quốc).
 
Tư Mã Thiên chắc đã tra cứu trong gia phả họ Lão, bảo con Lão tử là Tôn, làm tướng nước Nguỵ, được phong ở Đoàn Can. Theo Lục quốc niên biểu trong Sử kí thì “con của Lão tử” làm tướng quốc nước Nguỵ năm 273 (Chu Xá vương, năm 24). Con của Khổng tử là Lí sinh năm 532, mất năm 484. Hai người sinh cách nhau khoảng hai trăm năm, bằng sáu bảy thế hệ, cũng gần đúng: mỗi thế hệ khoảng 30 năm. Từ Khổng tử tới Khổng An Quốc (hậu duệ 13 đời) ở triều Hán Cảnh đế, Vũ đế, vào khoảng 400 năm, mỗi thế hệ cũng khoảng 30 năm.
 
Vả lại “Sau khi Khổng tử mất 129 năm” – tức vào khoảng 479 – 129 = 350, thái sử Đam qua Tần yết kiến Hiến Công; giả sử năm đó thái sử Đam 30 tuổi, hai ba chục năm sau sinh ra Tôn (vào khoảng 330 hay 320, thì khi Tôn làm tướng quốc nước Nguỵ, tuổi vào khoảng bốn năm chục (330 – 273 = 57, hay 320 – 273 = 47); nếu năm 350 đã sinh ra Tôn rồi, thì khi làm tướng Nguỵ, Tôn vào khoảng 80 tuổi (350 – 327 = 77), cũng vẫn có thể được. 
 
Ba lí do đầu, xét riêng từng lí do một thì không có giá trị gì cả, gồm cả ba thì cũng có giá trị một phần nào. Lí do thứ tư có giá trị hơn cả, nhưng Cao Hanh không biết căn cứ vào đâu mà lại bảo Tôn tướng Nguỵ được phong ở Đoàn Can không phải là con mà chỉ là hậu duệ của Lão tử (Sử kí Lão tử truyện tiên chứng – do Dư Bồi Lâm dẫn).
 
Ngoài ra Dư Bồi Lâm còn đưa ra hai lí do này để bác La Căn Trạch:
 
- Việc thái sử Đam qua yết kiến Tần Hiến Công, sử Chu và sử Tần đều có chép, nhưng không hề ghi đó là Lão tử;
 
- Thái sử Đam yết kiến Tần Hiến Công 106 chứ không phải 129 năm sau khi Khổng tử mất, lúc đó Lão tử khoảng 200 tuổi, sao mà sống lâu như vậy được?
 
Cả hai lí do này đều không có giá trị: sử Tần và sử Chu không ghi Đam là Lão tử có thể vì không cần thiết, ngay đến họ của viên thái sử đó cũng không chép nữa kia mà và Du Bồi Lâm chê La Căn Trạch cho Lão tử sống tới 200 tuổi là chê bậy: La đâu có chủ trương như Dư rằng Lão tử sinh trước Khổng tử, đã giảng về lễ cho Khổng tử.
 
Dư Bồi Lâm kết luận: Thái sử Đam chỉ là một hậu duệ của Lão tử, chứ không phải Lão tử, mà Tôn là con của thái sử Đam chứ không phải con Lão tử.
 
Vũ Đồng (sách đã dẫn) đưa một lí do nữa để bác La Căn Trạch. Ông bảo theo Sử kí của Tư Mã Thiên thì thái sử Đam đưa ra thuyết Tần với Chu hợp rồi li, rồi sau có một bá vương xuất hiện, thuyết đó không hợp với tư tưởng trong sách Lão tử. Như vậy không thể bảo Lão  với Lão  là một người được. Lí do đó chúng tôi cho dễ dàng chấp nhận hơn những lí do của Cao Hanh và Dư Bồi Lâm.

 
8. Tuổi thọ

 
Đến nay không cần phải bàn. Không biết năm sinh, năm tử, không biết sống ở đời nào thì tất nhiên không biết được tuổi thọ. Những lời đồn 160 tuổi, 200 tuổi, Tư Mã Thiên chỉ ghi lại cho đủ, chứ ông không tin. Có nhiều lắm cũng chỉ khoảng 90 tuổi thôi.
 
Tóm lại từ trước tới nay có hai phái chống đối nhau, một phái bảo Lão tử đồng thời với Lão tử, lớn tuổi hơn Khổng; một phái bảo Lão tử phải sinh sau Khổng tử. Phái trên xuất hiện trước, phái sau đại khái tới thế kỉ XVIII mới xuất hiện (Tất Nguyên, Uông Trung) và càng gần gần đây càng được nhiều người tán thành, lí lẽ càng dồi dào hơn.
 
Phái trên chỉ căn cứ vào hai đoạn trong Sử kí chép những lời Lão tử khuyên Khổng tử nghĩa là tin chắc rằng Khổng tử có qua 
Chu hỏi Lão tử về lễ. Thiên Tăng tử vấn trong Lễ kí càng khiến cho người ta tin hơn nữa.
 
Phái dưới ngược lại, không tin những tài liệu đó vì căn cứ vào tính tình cũng như tư tưởng của hai nhà: Khổng tử không khi nào trọng một người mạc sát lễ tới mức coi như thầy học của mình được, mà một người đã đảo chính sách dùng lễ nhạc giáo hoá dân, chính sách trọng người hiền không thể nào ra đời trong thời Xuân Thu và trước Khổng tử, Mặc tử được (chính sách thượng hiền, theo họ, chỉ xuất hiện sau khi Khổng tử đào tạo nên một giai cấp bình dân có tài đức (kẻ sĩ) ra giúp nước); nghĩa là Lão tử phải là người thời Chiến Quốc, sinh sau Khổng tử và Mặc tử.
 
Họ đưa ra vài chứng cứ: 
 
- Lão tử sinh ở nước Sở, huyện Hỗ, chứ không phải nước Trần, huyện Tương, vậy là sinh sau khi Sở diệt Trần, sau khi Khổng tử mất, tức ở thờ Chiến Quốc.
 
- theo gia phả hai nhà Khổng và Lão thì đời thứ 13 của Khổng tử ngang với đời thứ 8 của Lão, vậy Lão kém hơn Khổng sáu thế hệ; vả lại con của Lão tử là Tôn là người Chiến Quốc (thế kỉ thứ 3 trước T.L).
 
Có người còn bảo học trò của Lão tử là Hoàn Uyên, sống ở thế kỉ thứ 4 (390-300?), vậy Lão tử cũng sống ở thế kỉ đó, và Vũ Đồng đoán rằng ông sinh vào khoảng 430, mất vào khoảng 340.
 
Có người: Tất Nguyên, Uông Trung, La Căn Trạch lại dựa vào một thuyết của Tư Mã Thiên còn tồn nghi mà bảo Lão tử chính là thái sử Đam thời Chiến Quốc. Những suy luận của họ chỉ có lí một phần thôi, chưa thể tin là đúng được, và hai phái trên (tức phái chủ trương có việc vấn lễ) tìm cách bác hết.
 
Những cách bác của phái này – nhất là Dư Bồi Lâm – không có tinh thần khách quan. Họ chưa chứng minh được gì đã vội cho là đối phương vô lí, vì họ khăng khăng chủ trương rằng việc vấn lễ là có thực, vậy Lão tử lớn tuổi hơn Lão tử; những gì trái với sự kiện đó là sai hết, cả những điều Tư Mã Thiên đưa ra nữa.
 
Chẳng hạn, họ căn cứ vào đâu mà bảo Tôn không phải là con của thái sử Đam, chỉ là hậu duệ của thái sử Đam, mà thái sử Đam lại là hậu duệ của Lão tử; Tư Mã Thiên bảo “huyền tôn (chút) của Cung là Giả”, họ bảo “huyền tôn” đó là “viễn tôn” là cháu xa, có thể đời thứ 8, thứ 9 chứ không nhất định là đời thứ 4 của Cung. Rồi Lão tử là người huyện Tương nước Trần chứ không phải là huyện Hỗ nước Sở, vậy là sống ở thời Xuân Thu. Và khi Dư Bồi Lâm tìm ra được rằng thời Xuân Thu không có họ Lí chỉ có họ Lão, thời Chiến Quốc mới có họ Lí thì ông tin ngay rằng Tư Mã Thiên đã chép sai: Lão tử họ Lão tên Nhĩ, chứ không phải họ Lí tên Nhĩ; mà không hề nghĩ rằng có thể sinh ở thời Chiến Quốc, nên mang họ Lí.
 
Tranh luận như vậy thì có kéo dài thêm ngàn năm nữa cũng không giải quyết được.
 
Ngoài ra còn một nhóm thứ ba nữa, ít người thôi, muốn dung hoà hai phái trên, bảo ông Lão tử giảng lễ cho Khổng tử là một người và ông Lão tử viết cuốn Lão tử là một người khác. 
 
Phùng Hữu Lan (sách đã dẫn) cũng đứng ở giữa, nhưng chủ trương khác: Lí Nhĩ là nhân vật có thật, làm “thủ lãnh Lão học” ở thời Chiến Quốc, còn Lão Đam chỉ là một nhân vật truyền thuyết, mà Lí Nhĩ mượn tên để cho học thuyết của mình được người đời tôn trọng; nhưng ông cũng nhận rằng không thể coi là định luận được. Và ông chú trọng tác phẩm Lão tử hơn con người Lão tử, cho nên khi xét học thuyết, ông ghi rõ là học thuyết trong Lão tử, chứ không viết học thuyết của Lão tử. Giải quyết như vậy có phần khéo hơn cả, nhưng chúng tôi ngại ít người chịu theo: từ hai ngàn năm nay, người ta vẫn gọi bộ Mặc tử của Mặc tử, bộ Mạnh tử của Mạnh tử, bộ Trang tử của Trang tử, bộ Tuân tử của Tuân tử v.v…, mặc dù những bộ đó do môn sinh viết (Mặc tửMạnh tử) hoặc có những thiên do người sau thêm vào (Trang tửTuân tử); theo Phùng thì không nên bảo Lão tử của Lão tử viết, vậy phải bảo sao? của Lí Nhĩ viết à?Bất tiện ở chỗ đó.
Tiện ích Bambu
Tin liên quan
Bạn cần tìm kiếm?
Advert Advert2 Advert3
TextLink
BAO LA VẠN SỰ

Mobile: 0913 290 384  /  Email: tranngockiem57@gmail.com hoặc tuvan@phuclaithanh.com

Copyright © 2014   BaoLaVanSu. Thiết kế và phát triển bởi Bambu®