(Trong chương này và chương sau, chúng tôi bắt buộc phải dùng chữ đạo khi thì với nghĩa thông thường, khi thì với nghĩa riêng của Lão tử: bản nguyên của vũ trụ; nhưng hai nghĩa đó rất khác nhau, khó lầm được).
Lão tử cũng có thể nói như Khổng tử: “Ngô đạo nhất dĩ quán chi” (Lí nhân – 15). Đạo của ông còn nhất quán hơn đạo của của Khổng nữa. Hai chữ “trung thứ” tóm tắt được hết nhân sinh quan của Khổng, còn chính trị quan của Khổng không phải chỉ có “trung thứ”, mà còn “chính danh”, tôn quân, thứ, phú, giáo v.v… nữa. Đạo của Lão tử thì hai chữ “phản phác” (phác với nghĩa là đạo – trở về phác tức trở về đạo) tóm tắt được cả nhân sinh quan lẫn chính trị quan của ông. Khi ông khuyên phải thuận tự nhiên, vô vi, tránh cực đoan, khiêm, nhu, khí trí, quả dục… là khuyên người đời trong cách xử thế mà cũng khuyên nhà cầm quyền trong phép trị nước. Chúng tôi phải tách ra làm hai chương: đạo ở đời trong chương này và đạo trị nướctrong chương sau cho dễ trình bày, nhưng vẫn thấy là miễn cưỡng mà không sao tránh được lời lập lại.
Xã hội theo Khổng
Dân tộc Trung Hoa tới đầu đời Chu (thế kỉ thứ XII trước T.L) đã văn minh lắm: xã hội được tổ chức hoàn chỉnh trên cơ sở tôn quân quyền, phụ quyền và nam quyền: Quyền trị dân thuộc về giai cấp quí tộc, họ nắm luôn quyền tôn giáo (chỉ thiên tử mới được tế trời đất, bốn phương, chư hầu chỉ được tế phương mình ở, người dân chỉ được tế tổ tiên); họ có bổn phận che chở dân, dân phải nuôi họ, tuân lệnh họ. Trong nước thì như vậy, còn trong nhà thì người cha nắm quyền, đàn ông có quyền hơn đàn bà. Trong xã hội thì kẻ sĩ đứng đầu, rồi tới nông dân, công đứng sau nông, thương bị coi rẻ hơn cả. Tổ chức đó chặt chẽ, có tôn ti hẳn hòi, xã hội nông nghiệp nào hồi đầu cũng như vậy cả.
Tục lệ, lễ nghi, luân thường tới đầu đời Chu, cũng được Chu Công Đán qui định thành một hệ thống mà đời sau gọi là đạo Nho – Chu Công được tôn là ông tổ đạo đó – và tới thế kỉ thứ VI tr.T.L, Khổng tử ghi chép lại, phát huy thêm, do đó đạo Nho cũng gọi là đạo Khổng, mà Khổng tử thành một ông tổ nữa của đạo Nho, danh còn hơn Chu Công, cho nên Hàn Phi tử, trong thiên Hiếu học bảo: “Đạt tới mức cao nhất của Nho là Khổng Khâu” (Nho chi sở chí, Khổng Khâu dã). Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín (ngũ thường – chữ thường này cũng có nghĩa là vĩnh cửu, bất biến như chữ thường trong Đạo Đức kinh) thành những đức căn bản trong phép cư xử giữa vua tôi, cha con, chông vợ, anh em, bè bạn (ngũ luân); các đức trung, hiếu, tiết, nghĩa và cần, kiệm, liêm, chính được đề cao; suốt hai nghìn rưỡi năm sau, cho tới thế kỉ của chúng ta, nền luân lí Khổng Mạnh đó, thời nào cũng được tôn trọng.
Thời Chiến Quốc, do nông nghiệp tiến bộ, một giai cấp mới xuất hiện, giai cấp tân địa chủ - một phần là các quí tộc sa sút, một phần là bình dân có tài trí – muốn thống nhất Trung Hoa cho hết chia rẽ, loạn lạc để dễ phát triển kinh tế; họ tranh đấu với giai cấp quí tộc, giành một phần quyền cai trị cho mình, đặt ra luật pháp, tổ chức lại hành chánh và kinh tế (coi bộ Hàn phi tửchúng tôi soạn chung với Giản Chi); nhưng dù họ là Mặc gia hay Pháp gia (Danh gia ít bàn đến chính trị), có canh tân hay cách mạng gì thì cũng vẫn tôn quân quyền, phụ quyền, nam quyền, và vẫn coi trọng những nét chính của đạo Khổng, của nếp sống theo Khổng, mà họ cho là không cần phải bàn lại nữa. Họ ngoài miệng chê bai đạo Khổng làm mất nước (Mặc tử), cho Nho gia là một trong năm loại mọt (ngũ đố) của xã hội (Pháp gia), nhưng thực ra họ chỉ muốn sửa lại đạo Nho cho hợp thời, cho thực tiễn hơn (Pháp cho Nho lí tưởng quá) về phương diện chính trị để thống nhất quốc gia thôi; và khi Trung Hoa thống nhất rồi, nhà Tần đóng xong vai trò rồi, thì đạo Nho lại được tôn sùng sau một thời bị chìm trong mấy chục năm dưới đời Tần Thuỷ Hoàng.
Triết gia duy nhất không hề nhắc tới tên Khổng tử, cũng không hề ám chỉ đạo Khổng (hay một đạo nào khác), chỉ ôn tồn với một thái độ rất “triết”, trình bày học thuyết của mình, chẳng đả ai, cũng chẳng khen ai, mà chỉ trong khoảng 5.000 chữ đã làm một cuộc cách mạng lớn về tư tưởng, lật ngược hẳn lại đạo Khổng, cả về vũ trụ quan lẫn nhân sinh quan, chính trị quan, triết gia duy nhất đó là Lão tử.
Lật ngược nền luân lí của Khổng.
Đạo Đức kinh mở đầu bằng mấy lời Lão tử báo trước cho chúng ta rằng đạo là một cái gì rất huyền vi, chính ông không hiểu rõ được và loài người không có ngôn ngữ gì diễn tả được, cho nên ông không thể giảng cho ta được, chỉ gợi ý cho ta được thôi để ta tự tìm hiểu lấy.
Rồi qua chương 2, ông lại báo trước cho ta một điều quan trong nữa: phải bỏ quan niệm sai lầm về thiện, ác của xã hội đương thời tức của Khổng Mặc đi, trước khi tìm hiểu đạo, tìm hiểu học thuyết của ông. Ông viết:
“Ai cũng cho cái đẹp là đẹp, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái xấu; ai cũng cho điều thiện là thiện, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái ác. Là vì “có” và “không” sinh lẫn nhau; dễ và khó tạo nên lẫn nhau; ngắn và dài làm rõ lẫn nhau; cao và thấp dựa vào nhau; âm và thanh hòa lẫn nhau; trước và sau theo nhau”.
Nghĩa là trong vũ trụ không có gì vốn tốt, vốn xấu; đạo không phân biệt tốt xấu, như chương trên chúng tôi đã nói. Vậy thì thánh nhân – tức là người đã hoà đồng với đạo, hoàn toàn hư tĩnh, theo tự nhiên – chỉ có một cách xử sự là:
“…theo thái độ vô vi, dùng thật không nói mà dạy dỗ, để cho vạn vật tự nhiên sinh trưởng mà không can thiệp vào…”.
Ông chưa phải là bậc thánh nhân đó, mà lại muốn sửa lại sự lầm lẫn quá hữu vi của người đời ngày càng xa đạo, thì không thể “vô ngôn” được và tất phải vạch ra điều nào nên theo, điều nào không nên nghĩa là đưa ra những giá trị khác, hợp với đạo.
Ông chê những đức nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, và trung hiếu của đạo Khổng.
“Cho nên đạo mất rồi, sau mới có đức” (Đạo ở đây là tổng nguyên lí của vạn vật, đức là nguyên lí của mỗi vật, tức một phần của đạo; đức cũng có thể hiểu là bản năng sinh tồn của mỗi vật). “Đức mất rồi sau mới có nhân, nhân mất rồi sau mới có nghĩa, nghĩa mất rồi sau mới có lễ. Lễ là sự biểu hiện của sự suy vi của sự trung hậu thành tín, là đầu mối của hỗn loạn. Dùng trí tuệ mà tính toán trước thì chỉ là cái loè loẹt của đạo, mà là nguồn gốc của ngu muội” (ch.38). Chương 18 ông lại nói:
“Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân nghĩa; trí xảo xuất hiện rồi mới có trá ngụy; gia đình (cha mẹ, anh em, vợ chồng) bất hòa rồi mới sinh ra hiếu, từ; nước nhà rối loạn mới có tôi trung”.
Hai đoạn dẫn trên là lời mạt sát chung các nền luân lí của các dân tộc, mạt sát sự văn minh của nhân loại từ xưa tới nay chứ chẳng phải của riêng Trung Hoa thời đó. Theo Lão tử thì loài người bẩm sinh có lòng yêu cha mẹ, yêu con, yêu đồng loại, tôn trọng bề trên v.v… cũng như loài chim, loài nai chẳng hạn, không loài nào không nuôi nấng, che chở cho con khi con còn nhỏ, không quyến luyến với mẹ, không hợp đoàn, không theo con đầu đoàn…; đạo và đức khiến như vậy. Những tình cảm đó hồn nhiên, trong sạch, không suy tính.
Loài người để mất tình cảm hồn nhiên đó rồi, mới đặt ra nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, hiếu trung; bảo phải hành động ra sao mới là nhân, nghĩa, hiếu, trung, là cố ý rồi, nhắm một mục đích rồi, không thành thực nữa; nếu lại bắt buộc người ta làm như mình, thì đâu còn là đạo đức nữa, mà là sa đoạ, dùng trí xảo, trọng sự loè loẹt, đầu mối của hỗn loạn rồi.
Vậy phải “tuyệt thánh, khí trí”, “bất thượng hiền”, mà giữ sự chất phác.
Chương 19, Lão tử viết:
“Dứt thánh, bỏ trí, dân lợi gấp trăm; dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại hiếu từ; dứt [trí] xảo, bỏ lợi, không có trộm giặc”.
Chương 3:
“Không trọng người hiền để dân không tranh”.
Khổng, Mặc đều coi Nghiêu, Thuấn là thánh nhân, coi thời Nghiêu, Thuấn là hoàng kim thời đại. Ngay Pháp gia như Hàn Phi cũng có lúc trọng Nghiêu, Thuấn; Trang tử cũng nhắc đến Nghiêu, Thuấn. Không có chính trị gia nào thời Chiến Quốc không tin huyền thoại Nghiêu, Thuấn; duy có Lão tử là tuyệt nhiên không nói đến Nghiêu, Thuấn hay bất kì ông thánh nào khác của đạo Nho, như Hoàng Đế, Phục Hi, Chu Công… Ông coi họ là không những không có công mà còn có tội với dân tộc Trung Hoa, nhưng không mạc sát họ, không có họ thì “dân lợi gấp trăm”. Cơ hồ thái độ của ông là không cần nhắc tới họ. Đó là điểm đặc biệt của ông và của Đạo Đức kinh.
Dứt thánh rồi bỏ trí nữa.
Khổng tử coi trí là một trong năm đức quan trọng nhất, ngang với nhân, nghĩa, lễ; vì không có trí, nghĩa là không biết rộng hiểu nhiều, không sáng suốt thì khó đạt tới mức cao của nhân, nghĩa, lễ được, không biết nhân với từng hạng người – thân hay sơ, thiện hay ác – ra sao, không biết hành động thế nào mới hợp nghĩa, không biết giữ lễ cách nào, tóm lại không biết trung dung, tuỳ thời, tuỳ hoàn cảnh. Cho nên ông rất trọng sự học và ông có lí. Ông rất hiếu học, suốt đời tận tâm dạy người. Ông tự xét mình là “học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” (học mà không chán, dạy người mà không mỏi – Thuật nhi – bài 2).
Thiên Dương Hoá bài 8, ông bảo: “Muốn nhân mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngu; muốn trí mà không muốn học thì bị cái che mờ là cao kì thái quá; muốn tín mà không muốn học thì bị cái che mờ là hại nghĩa; muốn trực mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngang ngạnh; muốn cương mà không muốn học thì bị cái che mờ là táo bạo, khinh suất”.
Lão tử phản đối thứ trí đó của Khổng, vì căn bản của nó dựng trên sự phân biệt sai lầm của Khổng về thị phi, thiện ác, trên những giá trị giả tạo như ông đã vạch ra trong chương 2 (đã dẫn trên).
Vả lại “tri thức tự bản thân của nó là đối tượng của lòng dục rồi” (Phùng Hữu Lan – tr.235) mà như đoạn dưới chúng tôi sẽ trình bày, ông chủ trương “quả dục” (giảm dục vọng cho tới mức gần như “vô dục”). Càng biết nhiều người ta lại càng ham muốn nhiều; hơn nữa càng biết nhiều người ta lại có nhiều khả năng thoả mãn dục vọng: chẳng hạn chúng ta vì biết được nhiều tiện nghi của khoa học (đèn điện, xe hơi, máy thu thanh, thâu hình, máy lạnh…) nên muốn có đủ các tiện nghi đó; sự hiểu biết của loài người về khoa học càng tăng thì loài người càng nghiên cứu, phát minh thêm những máy móc mỗi ngày một tân kì. Như vậy hoài, không biết thế nào là đủ, mà cũng không thể ngừng được.
“Vi học nhật ích” (ch.48) là nghĩa vậy: Theo học như Khổng, Mặc thì mỗi ngày [dục vọng và tinh thần hữu vi] một tăng. Còn theo đạo thì mỗi ngày [dục vọng và tinh thần hữu vi] một giảm: “Vi học nhật tổn”.
Càng nhiều ham muốn – ham danh, ham lợi, ham quyền – thì con người càng hoá ra trí xảo, có tinh thần ganh đua, hiếu thắng, dân hoá ra khó trị, trá nguỵ:
“Thời xưa, người khéo dùng đạo trị nước thì không làm cho dân khôn lanh cơ xảo, mà làm cho dân đôn hậu, chất phác. Dân sở dĩ khó trị là vì nhiều trí mưu” (Dân chi nan trị, dĩ kì trí dã – ch.65).
“Trí xảo xuất hiện rồi mới có trá nguỵ” (Trí tuệ xuất, hữu đại nguỵ - ch.18).
Trong Trang tử có kể truyện một ông lão làm vườn chịu múc từng thùng nước giếng đi tưới rau chứ không chịu dùng một cái máy để lấy nước vừa nhẹ nhàng vừa mau (máy ấy đằng sau nặng, đằng trước nhẹ, có lẽ như cái cần vọt của ta), vì lẽ: “Máy tức là cơ giới, kẻ có cơ giới tất có cơ sự, kẻ có cơ sự tất có cơ tâm”, mà cơ tâm là điều làm ông ta xấu hổ. “Cơ xảo”, khôn lanh tức là có lòng máy móc, tức là có “cơ tâm”. Ông lão làm vườn đó theo đúng đạo Lão.
Hễ có “cơ tâm” thì sinh ra nhiều lo lắng về nỗi đắc thất, thua kém người, truy nguyên đều do học (theo cách của Khổng). Muốn cho khỏi lo, chỉ có cách là dứt học:
“Tuyệt học vô ưu” (ch.20).
Và rốt cuộc Lão tử bảo chỉ có một cách học là:
“Học bất học” (ch.64).
Nghĩa là học sao cho được vô tri vô thức; nói cách khác là lấy sự “không học” làm “học”, như vậy mới giúp được mọi người trở về với đạo, giúp vạn vật phát triển theo tự nhiên (phục chúng nhân chi sở quá, phụ vạn vật chi tự nhiên – ch.64).
Cách học đó trái hẳn cách học của Khổng tử, không dùng sách vở, cũng không “cách vật” (nghiên cứu từng sự vật một – Đại học), như vậy là phân biệt phiền toái, chi li chỉ thêm mê hoặc mà giữ tâm hồn hư tĩnh, dùng trực giác để hiểu đạo – tổng nguyên lí của vạn vật – hiểu mình, một phần của đạo, do đạo sinh ra rồi trở về với đạo, mục đích là tìm một lối sống hợp với đạo.
Học theo cách đó thì:
“Không ra khỏi cửa mà biết được [sự lí trong] thiên hạ; không dòm ra ngoài cửa mà biết được đạo trời. Càng đi xa càng biết được ít (vì chỉ biết được những hiện được những hiện tượng trước mắt thôi, biết được phần tử, không biết được toàn thể). Cho nên thánh nhân không đi mà biết, không nhìn mà thấy rõ, không làm mà nên”. (ch.47).
Lật ngược chế độ tôn ti của Khổng
Tới đây chúng ta đã thấy Lão tử lật ngược nền luân lí Khổng giáo. Ông còn lật ngược cả chế độ tôn ti, phong kiến của Khổng nữa.
Lão coi vạn vật như nhau, không phân biệt quí, tiện, như vậy là chủ trương bình đẳng; ông lại bảo phải để cho vạn vật tự nhiên phát triển theo bản tính của chúng, không can thiệp vào, như vậy là chủ trương tự do. Bình đẳng và tự do là những giá trị ngược với chế độ phong kiến dựng trên quân quyền, phụ quyền và nam quyền.
Lão tử không cực đoan như Trang tử mà đưa ra chủ trương vô chính phủ. Ông vẫn còn duy trì ngôi vua, nhưng nhiệm vụ và quyền hành của vua bị giảm thiểu gần như không còn gì. Vua chỉ có mỗi việc là vô vi, nghĩa là không can thiệp vào đời sống của dân, chỉ coi chừng cho dân sống theo tự nhiên, ngăn ngừa trước cho dân khỏi đánh mất bản tính thuần phác. Điểm đó, chúng tôi sẽ bàn thêm. Vì không thờ thượng đế, quỉ thần, vua mất luôn quyền giáo chủ.
Hơn nữa, vua tuy ở trên dân mà không quí bằng dân, vì:
“Sang lấy hèn làm gốc, cao lấy thấp làm nền” (Quí dĩ tiện vi bản, cao dĩ hạ vi cơ). Các vua chúa mới tự xưng là cô (côi cút), quả (ít đức), bất cốc (không tốt) chính là lẽ đó. (ch.39).
Vậy vua phải tự đặt mình ở dưới, ở sau dân:
“Sông biển sở dĩ làm vua trăm khe lạch [nghĩa là nơi qui tụ của mọi khe] vì khéo ở dưới thấp nên làm vua trăm khe lạch. Vì thánh nhân [tức hạng vua chúa] muốn ở trên dân thì phải nói lời khiêm hạ, muốn ở trước dân thì phải lùi lại sau. (ch.66).
Chương 7 cũng diễn ý đó:
“Thánh nhân đặt thân mình ở sau mà thân lại được ở trước, đặt thân mình ra ngoài mà thân mới còn được”.
Lão tử không nói tới phụ quyền (quyền của cha), nhưng cứ theo qui vô vi, bất can thiệp thì nhiệm vụ và quyền của cha cũng giảm thiểu như quyền của vua. Cha chỉ phải nuôi con, che chở chúng, hướng dẫn chúng sống theo tự nhiên, như vậy là “từ phụ” (cha hiền từ) rồi.
Ông cũng không nói đến nam quyền (quyền của đàn ông, của chồng), nhưng rõ ràng ông trọng nữ tính hơn nam tính. Chương 28 ông khuyên ta phải:
“Biết trống (nam tính) mà giữ mái (nữ tính) (Tri kì hùng, thủ kì thư).
Chương 61, ông nói thêm:
“…nên giống như giống cái trong thiên hạ. Giống cái nhờ tĩnh mà thắng giống đực (ham động)”.
Vì trọng nữ tính cho nên ông cho đạo là nữ tính, chứ không như Khổng cho Thượng đế (và như người phương Tây cho Dieu là père) có nam tính.
Ngay trong chương đầu ông đã bảo đạo là “mẹ của vạn vật” (vạn vật chi mẫu).
Rồi chương 25, chương 52: “mẹ của vạn vật trong thiên hạ” (thiên hạ mẫu).
Chương 20: “mẹ nuôi muôn loài” (từ mẫu).
Chương 6 ông dùng “thần hang” để tượng trưng cho đạo: thể của đạo hư vô, nên gọi là hang, dụng của nó vô cùng, nên gọi là thần; nó sinh ra vạn vật cho nên gọi nó là “mẹ nhiệm mầu” (huyền tẫn).
Trọng nữ tính tức là trọng nữ, ngược hẳn với Khổng, Mặc, với xã hội đương thời. Tôi không chắc ông có ý trở lại chế độ mẫu hệ; nhưng một xã hội theo quan niệm ông, một xã hội mà quyền và bổn phận của vua chúa, của gia trưởng rất giảm thiểu, nữ được trọng hơn nam, một xã hội như vậy không còn là xã hội phong kiến, tôn ti nữa, mà giống xã hội thời sơ khai, khi loài người còn sống thành các bộ lạc.
Xử kỉ
Lão tử là triết gia đầu tiên, có lẽ là duy nhất rán tìm nguyên nhân sâu xa sự sa đoạ của loài người.
Khổng, Mặc chỉ tìm nguyên nhân sự loạn lạc của xã hội đương thời thôi: tại các nhà cầm quyền không theo đạo của tiên vương (Nghiêu, Thuấn), tại vua không ra vua, không trọng sự giáo dục bằng lễ (Khổng) hoặc tại mọi người không biết yêu người khác như yêu bản thân mình (Mặc) v.v…
Lão tử đi ngược lên nữa, bảo không phải vậy. Nguyên nhân chính, duy nhất theo ông là tại loài người mỗi ngày mỗi xa đạo, không sống thuận theo đạo, tức thuận theo tự nhiên, mất sự chất phác, có nhiều dục vọng quá, càng thông minh lại càng nhiều dục vọng, càng xảo trá, tranh giành nhau, chém giết nhau.
Tiền đề ông đặt ra là đạo vốn hoàn toàn, con người ban sơ do đạo tạo ra, được đức nuôi dưỡng, cũng tự nhiên, chất phác, ít dục vọng, chân thành, nhu thuận. Tiền đề đó đúng hay không là điều không ai biết được – và đem ra bàn thì không bao giờ hết, không ai thuyết phục nổi ai. Có thể nó đúng một phần. Các nhân chủng học đều nhận rằng các dân tộc sơ khai rất chất phác, thành thật; có thể có một số ưa hoà bình, nhưng đa số cũng tàn bạo lắm. Khi săn mồi thì chém giết nhau, ăn thịt nhau nữa. Không thể tin chắc rằng con người sơ khai đều tốt cả.
Nhưng triết gia nào cũng có quyền đặt ra một tiền đề; hễ nó đúng một phần - dù nhỏ - rồi suy luận một cách đúng để sau đưa ra một kết luận, một giải pháp có ích cho nhân loại trong một thời nào đó, sửa được một vài sai lầm nào đó, là đủ cho triết thuyết đó có giá trị rồi.
Mà Lão tử suy luận rất đúng. Con người vốn chất phác, chỉ vì các ông thánh của Khổng, Mặc đặt ra những giá trị giả tạo (hiền và bất hiền, quí và tiện, danh với lợi), gợi lòng ham muốn của của dân, rồi dạy cho họ khôn lanh hơn nữa, thì làm sao không sinh ra loạn? Khi loạn rồi, họ đưa ra đức nhân để sửa (như Khổng), sửa không được, họ dùng tới quan niệm nghĩa (như Mạnh), thất bại nữa, họ đề cao lễ (như Tuân), hết lễ tới pháp, thuật ( Hàn Phi). Hiện nay khắp thế giới đâu đâu cũng dùng thuật và sức mạnh. Các phương tiện bọn triết gia và chính trị gia dùng mỗi ngày một mạnh lên mà kết quả là xã hội càng loạn, nhân loại càng sa đoạ.
Và Lão tử kết luận: chỉ có một cách là thay đổi lối sống, trở về với đạo, với tự nhiên, tức là phải “phản phác”.
Bước đầu là phải “quả dục”, giảm thiểu dục vọng. Trong Đạo Đức kinh ta thấy vài ba chỗ dùng danh từ vô dục, như:
---chương 3: “Xử dân vô tri vô dục” (Khiến cho dân không biết, không muốn),
---chương 37: “Phù diệc tương vô dục” (Khiến cho vạn vật không còn [tư] dục);
nhưng chúng ta nên nhớ rằng chữ vô ở đó cũng như chữ vô trong danh từ vô vi, không có nghĩa là hoàn toàn không, không trái hẳn với hữu. Vô vi không phải là hoàn toàn không làm gì cả mà là đừng làm gì trái với luật tự nhiên của vũ trụ; vô dục không phải là hoàn toàn không ham muốn gì cả, mà đừng ham muốn cái gì ngoài những nhu cầu tối thiểu tự nhiên của con người. Vậy vô dục tức là quả dục, hoặc tiết dục.
Về điểm tiết dục, thuyết của Lão tử không có gì mới mẻ, Khổng tử và Mặc tử cũng chủ trương như ông, chỉ khác là ông nhấn mạnh hơn hai nhà kia, tiến xa hơn, cho thái độ vô dục là hạnh phúc hoàn toàn, là điều kiện để trở về đạo mà nhân loại mới khỏi loạn, còn Nho giáo chỉ cho nó là điều kiện để giữ tư cách (Khổng), hoặc nuôi cái tâm (Mạnh); và Mặc tử coi nó là một sự khắc khổ nên theo để mưu hạnh phúc chung trong khi còn nhiều người khốn cùng, khắc khổ tới mức chỉ mong thoả mãn được ba nhu cầu căn bản này thôi: đủ ăn, đủ mặc, mệt nhọc, đau ốm được nghỉ ngơi: “Dân có ba mối lo: đói mà không được ăn, rét mà không có áo, mệt mà không được nghỉ, ba cái đó là ba mối lo lớn của dân) – (Phi Nhạc).
Lão tử nhiều lần nhắc ta phải quả dục. Ở trên chúng tôi đã dẫn câu: “học bất học” của ông trong chương 64. Cũng chương đó ông bảo phải “dục bất dục”, nghĩa là chỉ nên muốn một điều là vô dục, quả dục.
Chương 19 ông gắn liền quả dục với “bão phác”:
“…biểu hiện sự mộc mạc, trong thì giữ sự chất phác, giảm tư tâm, bớt dục vọng” (hiện tố, bão phác, thiểu tư, quả dục).
Chương 37, ông nói rõ hơn:
“…trong quá trình biến hóa, tư dục của vạn vật mà phát ra thì ta dùng cái mộc mạc vô danh (tức đạo) mà trấn áp hiện tượng đó, khiến cho chúng không còn tư dục nữa. Không còn tư dục mà trầm tĩnh thì thiên hạ sẽ tự ổn định”.
Cũng như Mặc tử, ông cho rằng con người chỉ cần thoả mãn những nhu cầu tự nhiên tối thiểu: bụng thì no, xương cốt thì mạnh; còn những vật hiếm, chỉ gợi lòng ham muốn, khiến cho xã hội sinh loạn, thì phải bỏ hết:
“Không trọng người hiền để cho dân không tranh [danh lợi], không quí của hiếm để cho dân không trộm cướp, không phô bày cái gì gợi lòng ham muốn, để cho lòng dân không loạn.
Cho nên chính trị của thánh nhân là làm cho dân lòng thì hư tĩnh, bụng thì no, tâm chí thì yếu [không ham muốn, không tranh giành], xương cốt thì mạnh” (chương 3).
Những cái gì làm cho vui tai, đẹp mắt, ngon miệng cũng vậy, vì:
“Ngũ sắc làm cho người ta mờ mắt; ngũ âm làm cho người ta ù tai; ngũ vị làm cho người ta tê lưỡi; ruổi ngựa săn bắn làm cho lòng người ta mê loạn; vàng bạc châu báu làm cho hành vi người ta đồi bại. Cho nên thánh nhân cầu no bụng mà không cầu vui mắt, bỏ cái này [xa xỉ, đa dục] mà lựa cái kia [chất phác, vô dục] (chương 12).
Y như lời Mặc tử trong thiên Tiết dụng, thượng:
“[Ăn uống] đủ để no bụng, nối hơi, mạnh chân tay, sáng tai sáng mắt thì thôi, không rán điều hoà đến cùng cực ngũ vị và mùi thơm, không tìm kiếm những của ngon vật lạ ở xa”.
Như vậy Lão và Mặc đều chủ trương huỷ bỏ mĩ nghệ, nghệ thuật, những cái ta gọi là sản phẩm của văn minh: Lão tử để cho con người trở về với chất phác, không sa đoạ, tranh nhau; Mặc tử để cho dân khỏi khổ; Lão vì lí tưởng, Mặc vì thương dân.
Danh vọng, địa vị, tiền của lại càng nên xa lánh:
“Vàng ngọc đầy nhà, làm sao giữ nổi; giàu sang mà kiêu là tự rước lấy họa. Công thành rồi thì nên lui về, đó là đạo trời” (Công thành thân thoái, thiên chi đạo – ch.9).
“Danh tiếng với sinh mệnh cái nào quí? Sinh mệnh với của cải cái nào quan trọng? Được danh lợi mà mất sinh mệnh, cái nào hại? Cho nên ham danh quá thì phải hao tổn nhiều, chứa của cải nhiều thì mất mát nhiều” (ch.44).
Phải đặt thân mình sau thiên hạ, đặt thân mình ngoài vòng danh lợi thì thân mình lại ở trước, mới còn được:
“Hậu kì thân nhi thân tiên, ngoại kì thân nhi thân tồn” (ch.7).
Ngay cái thân mình, cũng nên quên nó đi:
“Chúng ta sở dĩ sợ vạ lớn là vì ta có cái thân. Nếu ta không có thân thì còn sợ gì tai vạ nữa?(ch.13).
“Không có cái thân” nghĩa là quên nó đi, cứ để đời ta thuận tự nhiên, lúc nào về với đạo, với “vô” thì về, lúc nào chết thì chết.
- Quả dục thì phải “tri túc”. Lão tử có lẽ là người đầu tiên khuyên ta tri túc.
“Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên ngừng thì không nguy” (Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi – Ch.44).
“Họa không gì lớn bằng không biết thế nào là đủ, hại không gì bằng tham muốn cho được nhiều. Biết thế nào là đủ và thỏa mãn về cái đủ đó thì mới luôn luôn đủ” (Tri túc chi túc thường túc hĩ – ch.46).
Tri túc là điều kiện cốt yếu của hạnh phúc mà phương Đông chúng ta coi trọng. Ngoài hai câu dẫn trên trong Đạo Đức kinh, người Trung Hoa còn những châm ngôn này nữa: “Tri túc, tiện thị túc, đãi túc hà thời túc?” (Biết thế nào là đủ thì sẽ đủ, đợi cho có đủ thì bao giờ mới đủ?) và “Nhân dục vô nhai, hồi đầu thị ngạn” (Lòng dục của con người không có bờ bến, nhưng nhìn lại phía sau mình thì đó là bờ bến đấy). Người phương Tây trái lại, muốn được thêm hoài, cho nên họ tiến mau, phú cường, nhưng chịu hoạ cũng lớn, và hiện nay đã có nhiều người nghĩ phải chặn cái nền văn minh tiêu thụ lại, không cho nó tiến thêm nữa.
Tri túc thì “Khứ thậm, khứ xa, khứ thái” (bỏ những cái gì thái quá – ch.29) và không cho tình trạng nào, dù tốt tới mấy, phát triển tới cực điểm, vì theo luật tuần hoàn trong vũ trụ, hễ phát tới cực điểm thì sẽ quay trở lại (phản phục), sẽ suy:
“Vật gì cũng vậy, cường tráng rồi thì sẽ già” (Vật tráng tắc lão – ch.30).
“Giữ chậu đầy hoài, chẳng bằng thôi đi; mài cho bén nhọn thì không bén lâu” (Trì nhi doanh chi, bất như kì dĩ, suỷ nhi nhuệ chi, bất khả trường bảo – ch.9).
Hễ lên tới cực điểm rồi thì ngừng lại, đó là một trường hợp “vật hoặc tổn chi nhi ích” (vật có khi bớt đi mà lại là thêm lên); nếu trái lại, không ngưng mà cho tăng hoài thì mau suy, mau kiệt, như vậy là “ích chi nhi tổn” (thêm lên mà hoá ra bớt đi) (Chương 42).
Tiếp vật
Đối với mình thì quả dục, phản phác; đối với người thì khiêm nhu. Phác và nhu đều là những tính của đạo.
Chương 40, sau khi bảo: “Phản giả, đạo chi động”, Lão tử tiếp ngay: “Nhược giả đạo chi dụng” (Luật vận hành của đạo là trở lại lúc đầu) [trở lại gốc]; diệu dụng của đạo là nhược, tức khiêm nhu. Chữ nhu nhược ở đây không phải là thiếu ý chí, ai bảo sao theo vậy, mà có nghĩa là đừng cưỡng lại luật thiên nhiên của tạo hoá; vậy nhân sinh quan của Lão chung qui là thuận theo đạo.
Chương 37, ông bảo:
---Nhu nhược thắng cương cường.
Chương 78, ông nhắc lại:
---Nhược thắng cường, nhu thắng cương.
Đó là luật thiên nhiên, chứng cớ là:
“Người ta sinh ra thì mềm yếu mà khi chết thì cứng đơ. Thảo mộc sinh ra thì mềm dịu mà khi chết thì khô cứng. Cho nên cứng mạnh là cùng loài với chết, mềm yếu là cùng loài với sống” (kiên cường giả, tử chi đồ; nhu nhược giả, sinh chi đồ - ch.76).
Ông đưa ra một thí dụ nhu thắng cương:
“Trong thiên hạ, cái cực mềm [là nước] thì chế ngự được cái cực cứng [đá], [vì nước xoi mòn được đá]; cái “không có” lại len vô được không có kẽ hở [như không khí len vô được những chất đá, gỗ cứng mà trông bề ngoài ta không thấy kẽ hở] (ch.43).
Ông phàn nàn rằng lẽ đó ai cũng biết mà không ai thi hành được cả (thiên hạ mạc bất tri, mạc năng hành – ch.78). Cho nên mới có những kẻ cường bạo bất đắc kì tử (ch.42); cái “cường” của họ thực ra chỉ là bạo chứ không phải là cường, chính nhu mới là cường:
---Thủ nhu viết cường (ch.52).
Vì giữ được nhu nhược, thuận đạo, mới là có nghị lực lớn; và cũng nhờ biết nhu, biết mềm mỏng, chịu khuất, thân mới được bảo toàn:
---Khúc tắc toàn (ch.22).
Ý nghĩa ba chữ đó chính là ý nghĩa bài ngụ ngôn Le chêne et le roseau (Cây “sên” và cây sậy) của La Fontaine: trong cơn dông, cây “sên” cứng chống với bảo tố thì gẫy, trốc gốc mà cây sậy ngã theo gió thì được toàn vẹn. Khiêm đi liền với nhu, đều là những đức thuộc về nữ tính. Khiêm thì không tự đại. Không gì lớn bằng đạo:
“Đạo lan tràn khắp cả, có thể qua bên trái, qua bên phải”.
Công của đạo cũng không gì bằng:
“Vạn vật nhờ nó mà sinh trưởng mà nó không can thiệp vào”.
Vậy mà nó rất khiêm, không hề tự đại:
“Công thành rồi mà không nhận là của mình; nó nuôi dưỡng vạn vật mà không làm chủ vạn vật (…) vạn vật qui về nó mà nó không làm chủ, cho nên có thể bảo nó là lớn. Vì cho tới cùng, nó không tự nhận nó là lớn cho nên mới hoàn thành được cái vĩ đại của nó” (ch.34).
Khiêm thì không tự biểu hiện, không tự cho là phải, không kể công, không tự phụ:
“Không tự biểu hiện cho nên mới sáng tỏ, không tự cho là phải cho nên mới chói lọi, không tự kể công cho nên mới có công, không tự phụ cho nên mới trường cửu” (ch.22).
Khiêm thì không tranh với ai. Lão tử thấy thời ông loạn lạc vì vua chúa tranh giành đất đai, bảo vật của nhau; còn dân chúng thì tranh giành địa vị, danh lợi… nên ông nhắc lại mấy lần: đừng nên tranh giành.
Chương 22:
“Chỉ vì không tranh với ai cho nên không ai tranh giành với mình được”.
Cuối chương 66, cũng lập lại y hệt như vậy.
“Không tranh với ai cho nên không ai tranh giành với mình được”.
Chương 73:
“Đạo trời không tranh mà khéo thắng”.
Chương 8:
“Người thiện vào bậc cao [có đức cao] thì như nước. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người ghét [chỗ thấp] cho nên gần với đạo”.
Lão tử rất thích nước vì nước khiêm hạ, không tranh với vật nào cả mà lại chảy xuống chỗ thấp, có ở chỗ thấp mới quí hơn mọi vật:
“Sông biển sở dĩ làm vua trăm khe lạch [là nơi qui tụ của mọi khe] vì khéo ở dưới thấp nên làm vua trăm khe lạch”.
Như vậy là “sang lấy hèn làm gốc, cao lấy thấp làm nền”.
---“Quí dĩ tiện vi bản, cao dĩ hạ vi cơ” (ch.39).
Cho nên khiêm thì không muốn ở trên người, mà cũng “không dám ở trước người”:
--- “Bất cảm vi thiên hạ tiên” (ch.67).
Tự đặt mình ở sau mà “thân lại được ở trước” (hậu kì thân nhi thân tiên – ch.7).
Không có triết gia nào đề cao đức khiêm hạ như Lão tử. Ai cũng muốn vinh mà ông khuyên nên giữ nhục, như nước, chịu mọi cái dơ từ trên cao đổ xuống.
Khổng tử cũng thích nước, nhưng vì một lẽ khác. Thiên Ung dã, bài 21, ông bảo:
“Trí giả nhạo thuỷ, nhân giả nhạo sơn. Trí giả động, nhân giả tĩnh” (Người trí thích nước, người nhân thích núi…).
Nước lưu động, mà người trí (sáng suốt) hiểu được sự lí, biết tuỳ thời hành động, nên thích nước. Núi vững, không dời đổi, mà người nhân giữ vững đạo lí, cho nên thích núi.
Dưỡng sinh – Người đắc đạo
Phép dưỡng sinh (Lão tử gọi là nhiếp sinh – Ch.50) của Lão gồm hai chữ hư, tĩnh.
Chương 16 ông viết:
Hết sức giữ được cực hư, cực tĩnh (trí hư cực, thủ tĩnh đốc), xem vạn vật sinh trưởng ta thấy được qui luật phản phục. Vạn vật phồn thịnh đều trở về căn nguyên của chúng. Trở về căn nguyên thì tĩnh, [tĩnh là bản tính của mọi vật, cho nên] trở về căn nguyên gọi là “trở về mệnh”. Trở về mệnh là luật bất biến (thường) của vật. Biết luật bất biến thì sáng suốt, không biết luật bất biến thì vọng động mà gây hoạ”.
Chữ hư trong chương đó là hư tâm, nghĩa là để cho lòng trống không (không hư), vô tri, vô dục. Tâm mà hư thì trừ được hết các mối oán hờn, lo lắng, tâm hồn sẽ bình thản, thanh tĩnh, không tranh giành, không có vọng tưởng.
Chương 3 bảo phải “hư kì tâm, nhược kì chí”, chương 49 khuyên phải “hồn kì tâm (để lòng mình hồn nhiên), đều là ý đó cả.
Chương 26 và 45, Lão bảo tĩnh thắng được náo động, thanh tĩnh là chuẩn tắc trong thiên hạ:
“Tĩnh vi táo quân”
“Tĩnh thắng táo (…) tĩnh vi thiên hạ chính”.
Chương 37, lại nói:
“Không còn tư dục mà trầm tĩnh thì thiên hạ sẽ tự ổn định”.
Hư, tĩnh thì không phí, mà tiết kiệm được tinh thần, trí óc; Lão tử gọi như vậy là “sắc” 嗇 (hà tiện), có vậy mới sớm biết thuận theo đạo, sớm thuận theo đạo thì tích được nhiều đức; tích được nhiều đức thì không gì không khắc phục được, không gì không khắc phục được thì năng lực của mình không biết tới đâu là cùng, như vậy là rễ sâu gốc vững [nắm được] cái đạo trường tồn: “thâm căn cố đế, trường sinh cửu thị chi đạo” (ch.59). Chữ thị 視 ở đây, theo Từ Nguyên có nghĩa là hoạt 活 (sống). “Trường sinh cửu thị” ý nghĩa cũng như “tử nhi bất vong” trong chương 33 (tử nhi bất vong giả thọ: chết mà không mất là trường thọ).
Vậy theo Lão tử, để lòng hư tĩnh thì mau hiểu được đạo, trở về đạo, đồng nhất với đạo, mà đồng nhất với đạo thì sẽ cùng với đạo mà trường tồn, như vậy là bất tử, mặc dù thân xác bị huỷ hoại.
Ý nghĩa có phần bí hiểm, nhưng từ xa xưa tới nay ai cũng nhận là quả dục, không nóng nảy, hiếu thắng, không tranh đua, lòng thanh thản thì tâm thần vui và mạnh, mà tâm thần ảnh hưởng nhiều đến thể chất.
Đó là về tâm. Về cái thân mình, ông khuyên muốn sống lâu thì đừng nên phụng dưỡng mình quá hậu, tức đừng hưởng thụ thái quá. “Những kẻ có thể sống lâu được mà chết sớm là vì họ tự phụng dưỡng quá hậu” – (dĩ kì sinh sinh chi hậu – ch.50). Nghĩa là phải sống đạm bạc. Điều này cũng đúng nữa.
Rốt cuộc phép dưỡng sinh của Lão tử cũng vẫn là phản phác, quả dục, khiêm nhu, không khác gì phép xử kỉ, tiếp vật ở hai tiết trên. Học thuyết của ông thật nhất trí.
*
Muốn thực hiện được phép dưỡng sinh đó thì phải “tự tri, tự thắng” – Chương 33:
“Kẻ biết người là người khôn, kẻ tự biết mình là người sáng suốt. Thắng được người là có sức mạnh, thắng được mình là kiên cường (…) Không rời nơi chốn của mình (tức đạo) thì được lâu dài; chết mà không mất (đạo) là trường thọ”.
Mà khi thực hiện được thì chúng ta sẽ “trở về trẻ thơ” (phục qui ư anh nhi – ch.28). Nho giáo cũng thích trẻ thơ, như Mạnh tử bảo: “Bậc có đức lớn vẫn giữ được lòng mình khi mới sinh ra” (Đại nhân bất thất, kì xích tử chi tâm – Li Lâu hạ - bài 12), nghĩa là giữ được lòng hồn nhiên. Lão tử cũng bảo:
“Người nào có đức dày thì như con đỏ” (Hàm đức chi hậu, tỉ ư xích tử), nhưng ông cho còn vì một lẽ nữa: Nó mềm mại, nhờ khí nó tụ lại: “chuyên khí trí nhu” (ch.10). Vẫn là cái ý trọng “nhu”.
Chương 55 ông giảng rõ hơn:
“[đứa con đỏ] xương yếu gân mềm mà tay nắm rất chặt, chưa biết giao hợp mà con cu dựng đứng, như vậy là tinh khí sung túc. Suốt ngày gào hét mà giọng không khản, như vậy là khí cực hoà”.
Đời sau, các Đạo gia chuyên tâm luyện khí để trường thọ là do mấy hàng gợi ý đó.
*
* *
Và đây là chân dung người đắc đạo, con người lí tưởng của Lão:
“Mọi người hớn hở như hưởng bữa tiệc lớn, như mùa xuân lên đài; riêng ta điềm tĩnh, không lộ chút tình ý gì như đứa trẻ mới sinh, chưa biết cười; rũ rượi mà đi như không có nhà để về.
Mọi người đều có thừa, riêng ta như thiếu thốn; lòng ta ngu muội, đần độn thay!
Người đời sáng rõ, riêng ta tối tăm; người đời trong trẻo, riêng ta hỗn độn, như sóng biển nhấp nhô, như gió vèo vèo không ngừng.
Mọi người đều có chỗ dùng, riêng ta ngoan cố mà bỉ lậu. Riêng ta khác người, mà quí mẹ nuôi muôn loài (tức đạo). (Chương 20).
Chương 56, ông viết thêm:
“Người biết thì không nói, người nói là người không biết. Ngăn hết các lối, đóng hết các cửa, không để lộ sự tinh nhuệ ra, gỡ những rối loạn, che bớt ánh sáng, hoà với trần tục, như vậy gọi là “huyền đồng” (đại đồng với vạn vật một cách hoàn toàn).
[Đạt tới cảnh giới đó thì] không ai thân, cũng không có ai sơ với mình được (vì mình đã ngăn hết các lối, đóng hết các cửa, bỏ dục vọng, giữ lòng hư tĩnh); không ai làm cho mình được lợi hay bị hại (vì mình không để lộ sự tinh nhuệ, gỡ những rối loạn, giữ sự giản phác); không ai làm cho mình cao quí hay đê tiện được (vì mình đã che bớt ánh sáng, hoà đồng với trần tục). Vì vậy mà tôn quí nhất trong thiên hạ.
Chúng ta để ý: chương 20 (dẫn trên) ông lại ví người đắc đạo với trẻ mới sinh nữa. Tôi đã thấy một bức hoạ vẽ Lão tử thành một ông già mập mạp, lùn, cưỡi trâu, đầu hói, râu dài, mặt tươi tĩnh như một em bé rất dễ thương; và được thấy một bức khác vẽ một đạo gia thành một người cũng mập, bận áo thụng, chấp tay, hơi cúi đầu, toét miệng ra cười, có vẻ như ngớ ngẩn, hơi khùng khùng. Những hoạ sĩ nào đó đã khéo diễn đúng ý những câu: “như đứa trẻ mới sinh”; “lòng ta ngu muội, đần độn thay!”.