Tương truyền Khổng tử bảy ngày trước khi mất, nói với Tử Cống mà rơi nước mắt:
“Thiên hạ loạn từ lâu mà không một ông vua nào chịu theo lời khuyên của thầy. Thầy sắp đi đây”.
Trong Đạo Đức kinh cũng có một lời phàn nàn người đời không ai hiểu mình, nghe mình. Chương 70 chép:
“Lời [dạy] của ta rất dễ hiểu, rất dễ làm, mà thiên hạ không ai hiểu được, làm được. Lời của ta có tôn chỉ, việc của ta có căn bản. Vì thiên hạ không hiểu ngôn luận của ta nên không biết ta”.
Có người ngờ lời đó không hẳn là lời của Lão tử vì ông rất khoáng đạt, không than thân, không trách đời như vậy. Cũng có lí đấy. Nhưng nếu quả thực Lão tử chán ngán xã hội Trung Quốc đương thời, mà vượt cửa ải Hàm Cốc, đi về phương Tây, mất tích, thì lời phàn nàn dẫn trên rất dễ hiểu. Đời sống của Lão tử sẽ vĩnh viễn là một bí mật, chúng ta không thể quyết chắc điều gì cả.
Dù sao chương 70 cũng cho ta thấy hai điều này:
- tác giả chương đó nhận rằng học thuyết Lão tử rất có hệ thống, căn bản,
- học thuyết đó ít người theo.
Tư Mã Thiên khi chép đời Lão tử bảo hai phái Khổng, Lão chê bai lẫn nhau: “Đạo khác nhau thì không cùng bàn với nhau được”.
Lão học quả có bị một số học giả cuối thời Chiến Quốc chê, nhưng nhẹ nhẹ thôi, đại khái là quá trọng sự nhu nhược (Tuân tử, Lã thị Xuân Thu), sự hư tĩnh vô vi (Trang tử - Thiên hạ). Tư Mã Thiên chỉ bảo: “Lí Nhĩ chủ trương “vô vi mà dân tự cảm hoá, thanh tĩnh mà dân tự nhiên thuần chính”, chứ không phê bình gì cả.
Thực ra đó chỉ là lời nhận định thôi chứ không phải là lời chê bai hay bác bẻ. Tuyệt nhiên không có ai mạt sát cả. Mà rõ rằng lời Lão tử đã thực sự phản lại – chứ không phải chỉ là có vẻ như phản (nhược phản) (ch.78) – tất cả những học thuyết đương thời: Khổng, Mặc, Pháp.
Muốn chê Lão tử là việc rất dễ. Có thể viết 10.000, 20.000 chữ để bác bẻ 5.000 chữ trong Đạo Đức kinh được. Chúng tôi đã thấy Trương Khởi Quân viết khoảng 12.000 chữ (Lão tử triết học – tr,83-100) và Ngô Tất Tố viết khoảng 2.000 chữ (Lão tử tr.107-116) để chỉ trích Lão tử. Và còn bao nhiêu nhà nữa mà chúng tôi chưa được đọc!
Người ta có thể trách Lão tử là quá sùng thượng “tự nhiên”, cho tự nhiên là hoàn hảo tột bực, năng lực vô biên, một “thần khi”, loài người chỉ phải tuân theo, không được làm trái lại, không được tìm cách sửa đổi, càng sửa đổi càng có hại. Nhìn các màu sắc, bô phận của bông hoa, một cánh bướm, càng phân tích cơ thể một con chim, một em bé sơ sinh, càng suy tư về sự vận hành của các tinh tú v.v… chúng ta càng thấy sự nhiệm mầu của tự nhiên, sự nhiệm mầu đó thành hình nhờ hằng tỉ năm biến chuyển, chứ không phải trong một hai thế hệ. Nhưng tự nhiên đâu phải cực hoàn hảo, nó còn tiếp tục biến chuyển nữa trong không biết bao nhiêu tỉ năm nữa, sẽ còn tiến bộ nữa, và “nhân vi” đã có thể giúp cho nó tiến mau hơn dù trong một phạm vi nhỏ. Hoa cúc rừng đâu có đẹp bằng hoa cúc ở Ngọc Hồi (Hà Nội), ổi rừng, xoài rừng đâu có ngon và lớn bằng ổi Xá lị Mĩ Thuận, xoài cát Cần Thơ. Nhân lực rõ ràng đôi khi đã thắng thiên: trẻ sơ sinh ngày nay không chết nhiều như ngày xưa, chúng ta đã đổ bộ được lên mặt trăng và báo đăng có một số nhà khoa học đã rán bắt những tín hiệu phát từ các hành tinh cách trái đất cả hàng tỉ năm ánh sáng (tốc độ ánh sáng là 300.000 cây số một giây).
Sùng thượng tự nhiên, mạc sát nhân vi, tức là phủ nhận sự tiến bộ, sự văn minh, trở về “huyền thoại con người dã man”, cho đời sống con người sơ khai sung sướng nhất, tính tình của họ dễ thương nhất. Huyền thoại đó không còn ai tin nữa mà những người đưa ra huyền thoại đó chắc chưa hề sống trong các bộ lạc săn đầu người ở châu Phi, hoặc trong vài đảo Salomon để thấy thổ dân nuôi đàn bà cho mập như heo để làm thịt trong các ngày lễ. (Nguồn gốc văn minh của Will Durant – Phục Hưng – tr.23).
Xét chung, quả thực con người càng văn minh càng gian trá, lòng dục càng tăng, sự cạnh tranh để sinh tồn càng khốc liệt. Cái “phác” của người sơ khai, có điểm khả ái thật, nhưng bảo họ là con người lí tưởng, đáng quí hơn những người mà chúng ta gọi là đạo đức; rồi kết luận rằng phải “tuyệt thánh khí trí”, bỏ hết nhân, nghĩa, lễ, trí, tín đi, bỏ học, bỏ văn tự đi, dùng trở lại lối “thắt nút” thì thật vô lí. Ai cũng tôn trọng Khổng tử, Lão tử, Thích Ca, Ki Tô… hơn những con người còn chất phác còn ăn lông ở lỗ, mà những vị đó do văn minh, “nhân vi” tạo nên, chứ không phải là do tự nhiên. Từ khi có loài người cho tới khi có những vị đó, đã phải mất cả triệu năm, cả chục triệu năm kinh nghiệm, giáo hoá.
Ngay đến việc đem tự nhiên và nhân vi đối lập với nhau cũng là một điểm vô lí nữa. Biết đâu là ranh giới giữ hai cái đó? Xã hội lí tưởng của Lão trong chương 80, tuy chất phác thật đấy nhưng đâu phải là tự nhiên, mà chính là nhân vi rồi. Con người nguyên thuỷ đâu có quần áo, nhà cửa, đâu biết nuôi gà nuôi chó. Một thật là tự nhiên thì phải ăn lông ở lỗ, còn sống như bộ lạc giữa rừng châu Phi cũng đã là “nhân vi” rồi. Mà muốn giữ cái “đức”, cái “phác” của Lão thì phải như loài muông thú, hằng ức triệu năm trước ra sao, nay cũng vậy. Chúng ta khác loài muông thú ở điểm muốn cải thiện đời sống của mình và có đủ thông minh, tài năng để cải thiện nó. Lòng muốn đó là tự nhiên chứ không phải là nhân vi. Nếu bảo lòng muốn đó trái với tự nhiên thì do đâu mà nó phát sinh, vì theo Lão con người do đạo sinh ra, đức nuôi dưỡng, phát triển theo tự nhiên để cuối cùng trở về đạo kia mà.
Loài người không chỉ có nhu cầu ăn no mặc ấm, mà còn có nhu cầu ăn cho ngon, mặc cho đẹp, hiểu biết thêm, sáng tạo ra một cái gì. Bảo người trị dân chỉ nên làm cho dân “lòng thì hư tĩnh, bụng thì no, tâm chí thì yếu, xương cốt cứng mạnh” (ch.3) là không cận nhân tình.
Vả lại đã chủ trương vô vi mà sao lại còn đề nghị xoá bỏ văn minh đi. Làm sao xoá được? Phá huỷ hết từ lâu đài, cầu cống, đồ dùng, máy móc, tới sách vở, chữ nghĩa vải vóc, xe, ngựa… chăng? Dù cho được đi nữa, thì sống như người nguyên thuỷ trong một thời gian, con người sẽ tìm tòi, phát triển, lần lần tạo nên một nền văn minh mới. Như vậy là không thực tế.
Triết lí khiêm nhu, bất tranh rất có hại, đưa tới sự diệt thân, diệt chủng. Nó cũng trái với tự nhiên, với bản năng tự vệ của con người. Muốn hoàn toàn theo tự nhiên, theo đạo thì đáng lẽ phải tán thành tự do cạnh tranh chứ, vì luật cạnh tranh để sinh tồn là một luật tự nhiên.
Người ta còn trách Lão tử nguỵ biện nữa: Không tranh với địch thì làm sao thắng địch (ch.68, 69). Trẻ sơ sinh mà sao độc trùng không chích, mãnh thú không vồ, ác điểu không quắp? (ch.55). Người khéo dưỡng sinh làm sao mà đi đường không gặp con tê ngưu, con hổ, ở trong quân đội không bị thương vì binh khí (ch.50). Tại “không tiến vào tử địa”. Nghĩa là không bao giờ vô rừng, mà ở chiến trường thì kiếm chỗ núp, không giao tranh ư?
*
Còn nhiều lời chê trách nữa chẳng hạn có mấy chỗ mâu thuẫn: coi phần I, ch.II, tiết C. Có lí cả đấy, không đúng nhiều thì cũng đúng ít; nhưng người chê thì cứ chê, người theo thì cứ theo, không ai thuyết phục được ai. Mà hạng người thích Lão tử lại rất đông, họ không dùng lí trí để phân tích như hạng trên, chỉ dùng con tâm để cảm thông với Lão tử.
Khi đã cảm thông với Lão tử thì ta thấy con người của ông rất khả ái, đáng quí, cao thượng. Ông tuy bàn về chính trị, nhưng không phải là một chính trị gia, chỉ là một triết gia thuần tuý, nghĩa là chỉ đưa ra một lí thuyết, không trỏ cách thực hành.
Ông thấy xã hội thời đó loạn lạc, vì thói đa dục, đa xảo, tranh nhau; ông thấy cái hại của văn minh, của chính sách hữu vi quá đáng, nên ông phải động lại, bảo cứ theo cái hướng cũ thì xã hội sẽ loạn thêm, phải đổi hướng đi, và ông chỉ cho ta cái hướng ngược lại: phải sống đơn giản, bớt dục vọng, xảo trá, mà nhường nhịn nhau, đừng tranh giành nhau, tôn trọng tự do của nhau.
Hướng đó đúng. Còn thực hiện ra sao, tới đâu thì ông để các nhà cầm quyền quyết định. Nhưng ông cũng dặn “khứ thậm, khứ xa, khứ thái” (ch.29), nghĩa là đừng làm cái gì thái quá; và nhắc ta cố giữ ba “vật báo”: Lòng tự ái, tính kiệm ước, nhưng người (từ, kiệm, bất cảm vi thiên hạ tiên – ch.67). Nhiều khi ông nói quá, nhưng chỉ là để đập vào óc ta cho ta chú ý tới, đọc ông không nên theo nghĩa từng chữ mà bẻ ông từng lời. Nên như Đào Uyên Minh, hội được thì thôi, “bất cầu thậm giải” (không cần nghiền ngẫm chi li). Ông biết rằng không thể phản phác triệt để, xoá bỏ hết văn minh mà sống như người nguyên thuỷ được, cho nên mới đưa ra một mẫu xã hội trong chương 80. Khiến cho nhân loại được sống vui, chẳng là một lí tưởng đẹp ư? Căn cứ vào chương đó để chê ông tự mâu thuẫn với ông, thì đúng đấy, nhưng thực có hiểu ông không?
Phần chính trị không phải là phần quan trọng trong học thuyết Lão tử. Những tư tưởng bình đẳng (trọng người thấp hèn, yêu người dần độn), tự do (ít can thiệp vào đời sống của dân chúng), trọng hoà bình, không tranh giành, gây hấn với nhau, mà nhường nhịn nhau, tấm lòng khoan dung (dĩ đức báo oán), thương kẻ nghèo (“ai là người có dư mà cấp thêm cho người thiếu thốn trong thiên hạ đâu?” – ch.77), và nếp sống tự nhiên, giản dị, tri túc, thanh tĩnh… đó mới là những giá trị nhân bản rất cao, không triết gia chân chính nào không muốn hướng tới. Chúng có một sức mạnh thu hút ta, khiến ta hướng thượng, cao cả hơn, trong sạch hơn, vừa lãng mạn, vừa nên thơ. Sức hấp dẫn của học thuyết Lão tử chính là ở chỗ đó.
Cũng chính vì vậy mà trên hai ngàn năm, ở Trung Hoa không có một người nào trong Khổng phái mạt sát Lão cả, mặc dầu như tôi đã nói trong phần II, chủ trương của Lão ngược hẳn chủ trương của Khổng; chính Lão chứ không phải Mặc hay Hàn Phi mới phản đối Khổng mạnh nhất: Khổng trọng thánh trí, nhân nghĩa, mà Lão thì tuyệt thánh khí trí, tuyệt nhân khí nghĩa”.
Họ chẳng những không mạt sát Lão như Hàn Dũ mạt sát Phật, mà còn thích Lão, trọng Lão cũng ngang với Khổng nữa. Một số thi hào, văn hào của Khổng chịu ảnh hưởng lớn của Lão như Đào Uyên Minh đời Lục Triều, tác giả những bài Đào hoa nguyên kí, Qui khứ lai từ; Liễu Tôn Nguyên đời Đường, tác giả bài Ngu Khê thi tự, bạn thân của Hàn Dũ mà phóng khoáng hơn Hàn; Lí Bạch với Mạnh Hạo Nhiên, Vương, nhất là Hàn Sơn đời Đường, nhà nào cũng lưu lại nhiều bài bất hủ tả cảnh thiên nhiên; Tô Đông đời Tống với hai bài phú Xích Bích mà bài Hậu Xích Bích có giọng phiêu diêu của một đạo sĩ…
Môn hoạ của Trung Hoa còn chịu ảnh hưởng của Lão nhiều hơn môn thơ nữa: có thể nói tất cả các bức tranh sơn thuỷ, tùng bách, suối mây, cúc, trúc, mai, hạc… đều nhờ Lão mà có, mà những hoạ sĩ như Vương Duy đời Đường, Mễ Phế đời Tống đều là những nhà Nho kiêm Lão.
Dân chúng Trung Hoa cũng thích lão mặc dù xử thế thì coi Khổng là chính. Họ cũng như các sĩ phu, còn trẻ thì theo “hữu vi” của Khổng, mà về già thì muốn theo “vô vi” của Lão; gặp thời bình trị thì tận tâm giúp nước, nhưng khi loạn quá rồi, không cứu vãn được nữa thì rút lui, giữ tiết tháo mà đợi một thời thuận tiện hơn.
Tóm lại cả dân tộc Trung Hoa từ quan tới dân, từ các học giả, nghệ sĩ tới nông phu đều do bản năng cảm thấy rằng Khổng và Lão không phải trái ngược nhau hẳn mà bổ túc lẫn nhau: Khổng hướng dẫn họ trong việc tề gia, trị quốc, trong việc làm ăn, cần thiết cho họ cũng như mặt trời cần thiết cho sự sinh trưởng của vạn vật; Lão nén bớt chí hăm hở thành công, dạy họ tiết dục, tri túc, khoan nhu, như mặt trăng làm dịu tâm hồn của họ xuống, khiến cho cái tâm của họ tĩnh hơn, mát hơn, sáng hơn như cảnh vật dưới ánh trăng. Lâm Ngữ Đường trong cuốnThe Importance of Living bảo nhờ Lão tử mà dân tộc Trung Hoa mới tồn tại được trong ba bốn ngàn năm vật lộn với đời sống, mà không có nhiều người bị bệnh điên, bệnh thần kinh suy nhược, bệnh đứt gân máu như người phương Tây.
Đọc bài 25 thiên Tiên tiến (Luận ngữ) thấy Khổng tử cũng muốn như Tăng Tích, cuối mùa xuân, cùng với một nhóm thanh niên và em bé dắt nhau đi tắm sông nghi rồi lên hứng mát ở đền Vũ Vu, vừa đi vừa hát, tôi có cảm tưởng rằng nếu sống đồng thời với nhau thì Khổng, Lão có thể là bạn thân của nhau được. Chí hướng, tâm hồn hai nhà như nhau, chỉ khác là Lão tử là một triết gia thuần tuý, còn Khổng tử vừa là triết gia vừa là một chính trị gia nên có óc thực tế hơn: bảo phải “dĩ trực báo oán” (Hiến vấn – 38), về chính trị thì như vậy là phải, mà về tình người thì như vậy không cao bằng Lão tử: “dĩ đức báo oán” So sánh chương 77 của Lão với bài 1 thiên Quí thị của Khổng, ta còn thấy thái độ của hai nhà hơn nữa. Cùng là nghĩ tới người nghèo, cùng mong có sự quân bình trong nước, Lão tử với tư cách đạo đức gia than thở: “ai là người có dư mà cấp thêm cho người thiến thốn trong thiên hạ đây”; còn Khổng tử với tư cách một chính trị gia nghĩ tới bốn phận của nhà cầm quyền: “người có nước có nhà, không lo ít người mà lo không được quân bình, không lo nghèo mà lo không được yên ổn”.
*
* *
Từ đầu thế kỉ XVIII, các nhà truyền giáo Ý, Pháp, Y Pha Nho… đã phát giác ra học thuyết Lão tử cho người phương Tây biết. Nhưng qua thế kỉ sau họ mới dịch Đạo Đức kinh và từ đó các bản dịch, các bài phê bình mỗi người một nhiều. Đạo Đức kinh thành tác phẩm của Trung Hoa được phổ biến nhất châu Âu, bỏ xa Tứ thư, Ngũ kinh, cả thơ Lí Bạch nữa, một phần lớn vì thể văn cô động như châm ngôn với ý nghĩa vừa bí hiểm, vừa ngược đời của Lão tử. Đại đa số độc giả phương Tây thời trước vì hiếu kì mà đọc. Gần đây, từ sau thế chiến thứ nhì, họ hiểu Lão tử hơn và muốn tìm trong Đạo Đức kinh một phương thuốc trừ cái tật hăm hở hưởng thụ, quá ham tiến bộ, sống trái thiên nhiên của họ.
Max Kaltenmax, trong phần kết cuốn Lao Tseu bảo thời đại chúng ta ở Âu Mĩ, nhiều người thích thuyết vô vi, hư tĩnh của Lão tử, mà xét cho cùng, thái độ thuận theo tự nhiên, bất can thiệp của Lão không trái tinh thần khoa học chút nào cả, vì một tinh thần thực khoa học bao giờ cũng tôn trọng luật thiên nhiên.
Hơn nữa hai nhà khoa học: Lynton K. Caldwell trong cuốn In Defense of Earth (1972) và Victor C. Ferkiss trong cuốn Technological Man (1969), đều khuyên người phương Tây trở về sống với thiên nhiên.
Caldwell bảo phải tuân theo luật thiên nhiên, hễ làm trái với thiên nhiên thì tất gặp tai hoạ, và chúng ta nên ôn lại thuyết của Lão tử, của thánh François (tr.285 bản tiếng Pháp: La Terre en danger của nhà Editions Internationales). Lời đó đúng. Vì khoa học, kĩ thuật tiến bộ quá, làm mất sự quân bình, mất sự điều hoà trong vũ trụ (harmonie universelle) đã lần lần thành lập trong mấy tỉ năm, từ khi có trái đất, do đó mà nhân loại ngày nay phải đối phó với các tai hoạ bộc phát nhân số (hậu quả là một phần ba nhân loại đang thiếu ăn và sẽ có hằng trăm triệu người chết đói); hoạ ô nhiễm môi sinh (environnement pollution); đất đai, sông ngòi, không khí… bị nhiễm uế vì cùng hơi độc của các nhà máy, các xe hơi, vì các chất sát trùng, các phân hoá học. Chỉ nội hai cái hoạ đó thôi cũng đã gây ra cả ngàn cuộc thảo luận của các nhà khoa học khắp thế giới mà vẫn chưa có cách nào giải quyết nổi, chúng thành cái nguy cơ trước mắt của nhân loại. (Xin độc giả coi thêm Những vấn đề của thời đại NHL – Mặt đất – 1974).
Mất sự điều hoà trong vũ trụ, mà mất cả sự điều hoà trong bản thân ta, trong tâm hồn ta: ham tiến bộ, ham vật chất quá thì tâm hồn không được yên tĩnh, đạo đức suy, tình nghĩa giảm, đời sống cũng không hạnh phúc. Nhiều thanh niên Âu Mĩ đã chán cái văn minh tiêu thụ, hùng hục làm từ sáng tới tối để sản xuất cho nhiều, rồi tiêu thụ cho nhiều lại để sản xuất cho nhiều; họ phản kháng lại xã hội của họ như bọn hippy, bọn provo; họ đọc Lão tử, Thoreau, rủ nhau sống nhởn nhơ trong những vườn hoa, cánh đồng, gần gũi với thiên nhiên.
Còn Ferkiss thì đưa ra một triết lí mới, mà ông gọi là Tân chủ nghĩa thiên nhiên. Theo chủ nghĩa đó, con người là một phần của thiên nhiên hơn là một cái gì cách biệt với thiên nhiên. Toàn thể vũ trụ là một diễn trình biến hoá, một chuyển động không ngừng và con người là một phần của chuyển động đó. Cái chủ nghĩa ông ta bảo là mới mẻ đó, sao mà giống của Lão tử thế!
Là một phần của thiên nhiên thì không thể tách rời thiên nhiên được mà phải sống theo thiên nhiên, trong thiên nhiên, sống chất phác, giản dị, cũng như Caldwell đã khuyên.
Hai nhà khoa học khác của Mĩ, Paul và Anne Ehrlich, tác giả cuốn Population, Resources,Environment (San Françisco – 1970) nhắn nhủ:
- Các dân tộc đã phát triển phải thay đổi thái độ đối với một số giá trị thời đại; sống cho lành mạnh mới là sung sướng; phải phân phát tài sản một cách công bình hơn, bỏ ra 20% tổng sản lượng quốc gia để giúp một cách bất vị lợi các quốc gia kém phát triển (lời của Lão tử ch.77: thục năng hữu dư dĩ bổ thiên hạ?).
- Còn các dân tộc kém phát triển thì đừng nên đua đòi các nước Âu Mĩ, sống theo lối Âu Mĩ.
Còn hàng trăm nhà bác học khác chủ trương như bốn nhà kể trên, hàng trăm tác phẩm khuyên phải sống hợp với thiên nhiên, không sao đọc hết được.
Vậy là ở phương Tây đã bắt đầu có phong trào “phản phác” rồi đấy. Và có dấu hiệu rằng phong trào đó mỗi người mỗi lên. Đó là vinh dự cho triết học Trung Hoa vì theo chúng tôi biết,Đạo Đức kinh là tác phẩm duy nhất trình bày thuyết vô vi (bất can thiệp, thuận theo tự nhiên) một cách đầy đủ, có hệ thống, bằng một bút pháp độc đáo, nửa như phú, nửa như thơ.