Vì sao phải tảo mộ vào tiết Thanh Minh ?
Theo sự tương truyền của dân gian thì:
Cao Cúc Khanh, nhà thơ đời Nam Tống Trung Quốc có một bài thơ về: “Thanh Minh” viết rằng: “Ở Nam Bắc Sơn có rất nhiều nghĩa trang. Thanh Minh mọi người đến cúng, tảo mộ nườm nượp. Tro tiền giấy bay như bướm trắng, nước mắt, máu nhuộm thành con chim đỗ quyên ...”.
Bài thơ vẽ lên một bức tranh sinh động về phong tục đương thời - tảo mộ tiết Thanh Minh.
Từ lâu bàn dân thiên hạ đi tảo mộ vào dịp Tết Thanh Minh hàng năm là một phong tục đẹp và sử sách từ đời cổ đều có ghi chép chép rõ ràng. Sách “Lễ ký” đã viết: “Bậc vương giả thì tế trời đất, các chư hầu thì tế sông núi, các đại phu thì tế vua, các bậc thứ dân thì tế Tổ tiên”.
Thời Xuân Thu, dân gian có tục “ngày lành tháng tốt, cúng tế ngoài đồng”. Từ thời Tần Hán lại đây, quy định cứ ngày mồng một, ngày mười rằm và ngày 24 các tháng trong năm, đều phải tế ở “mộ”, lễ nghi phức tạp, vừa mệt dân, vừa tốn kém tiền của. Đời Đường, vua Đường Minh Hoàng ban Thánh chỉ: “đem đồ ăn lạnh cúng trên mộ, kinh lễ không cần văn, các thế hệ truyền cho nhau để thành tục lệ mãi mãi trường tồn”. Từ đó quy định vào thời gian Tết Hàn Thực (3 - 3 âm lịch) nhà nhà đi tảo mộ. “Tảo mộ” bắt đầu gọi là “Mộ tế”, triều Hán khá lưu hành, gọi là “Thượng mộ” “Thượng chủng”, “Bái mộ”. Trong ”Tống sử”, Đường cách truyện có câu “Mời đến Tiền Đường tảo mộ”. Có thể thấy rằng “Tảo mộ” đến triều Tống mới thành tên gọi. Nhà Tống quy định tiết Thanh Minh “Thái học” phải được nghỉ 3 ngày. “Võ học” được nghỉ 1 ngày, để ai về nhà ấy tảo mộ. Thời Minh, Thanh theo ghi chép của “Yến kinh tiệc thời ký” thì Thanh Minh tảo mộ, trai gái áo xiêm lộng lẫy dập dìu nhau đổ ra ngoại thành.
Người ta chọn tảo mộ vào Thanh Minh, bởi vào dịp này khí hậu chuyển sang ấm dần mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt tươi trùm kín lăng mộ, có thể làm cho mộ sụt lở, cần phải cắt cỏ và đắp thêm đất vào mộ .v.v... Trong “Thanh thông lễ” nói “Tiết Hàn Thực và tiết sương giáng, bái tảo nghĩa địa, mặc áo trắng đến mộ, đặt rượu, bánh và đồ cắt cỏ”.
Hai việc cắt cỏ và đắt đấp lên mộ, gọi là “tảo mộ”. Hơn thế nữa, đây là lúc đẹp trời nhân lúc đi làm việc tảo mộ, để nhớ Tổ Tiên, có thể đi chơi ở ngoại thành ngắm cảnh, nên còn gọi là Đạp Thanh. Trong “Đế kinh cảnh vật lược”, người đời Minh viết có nói: “Ngày Thanh Minh tháng 3, nam nữ tảo mộ, đem theo châm cài đầu, cành liễu, đi chơi cầu Cao Lương, gọi là Đạp Thanh” nên tiết Thanh Minh còn được gọi là “Tiết Đạp Thanh”.
Và theo ghi chép, thời Xuân Thu Giới tử Thôi nước Tấn bị đốt cháy trước tiết Thanh Minh 1 ngày (Tiết Hàn Thực (ăn lạnh)). Mọi người để tưởng nhớ vị hiền nhân này đã quyết định cấm đốt lửa 3 ngày, không hút thuốc không ăn uống, đồng thời cúng tế, tảo mộ. Do tiết Hàn Thực cận kề với Thanh Minh, hơn nữa Thanh Minh lại là tiết “dâng cơm”, cho nên tiết Hàn Thực và Thanh Minh được gọi chung là “Tiết Bái Tảo”.
Trong xã hội cũ, tảo mộ thường thường mang thêm yếu tố mê tín. Gần đây tảo mộ biến thành hoạt động tưởng nhớ những người chết, những liệt sĩ cách mạng ...
Còn ở Việt Nam Thanh Minh cũng được tổ chức vào tháng 3, đây cũng là một dịp lễ hội truyền thống của người Việt Nam.
“Thanh minh trong tiết tháng 3
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”
(Nguyễn Du)
“Tảo mộ” hay “Thanh Tảo”, đó là dịp nhân tiết trời tháng ba trong xanh, quang đãng, mát mẻ, mọi người ra đồng, ra nghĩa trang thăm mộ phần của gia đình mình, lễ cáo long mạch thổ thần và về cúng Gia Thần, Gia Tiên trong nhà.
Tục ấy từ xa xưa đã đi vào trong văn học bất hủ “Truyện Kiều” của thi hào dân tộc Nguyễn Du, ngày nay người Việt Nam vẫn giữ phong tục ấy. Đấy cũng là một nét đẹp văn hoá và đạo lý truyền thống của Việt Nam.
Vào dịp tiết Thanh Minh, trước khi đi tảo mộ, người ta thường sắm một lễ mặn nhỏ gồm: hương, đèn (nến), trầu cau, tiền vàng, rượu, thịt (chân giò, gà luộc hoặc đơn giản thì một khoanh giò nạc độ vài lạng) và hoa, quả.
Khi đến nghĩa trang hay khu vực có để mộ phần của gia đình mình thì gia chủ đặt lễ vào Am. Miếu chung: nếu ở đó không có Am. Miếu chung thì mang theo một cái đôn (ghế) rồi đặt mâm lễ vật lên trên.
Gia chủ thắp đèn, nhang, vái ba vái các vị Linh thần Thổ Địa rồi khấn.
Nếu văn khấn viết ra giấy thì đọc xong, hoá (đốt) ngay cùng tiền, vàng.
Trong khi đợt hết tuần nhang dâng Thổ Địa thì mọi người trong gia đình đi viếng thăm các ngôi mộ của gia đình mình: thấy cỏ rậm, cây mọc che quá nhiều thì phát quang đi, đắp thêm mấy vầng đất tôn cao mộ phần, rồi thắp lên mộ mấy nén nhang. Đứng trước ngôi mộ mà vái ba vái, rồi khấn.
Sau khi tảo mộ xong thì quay về làm lễ Gia Thần, Gia Tiên ở nhà.
Văn khấn Gia Thần, Gia Tiên có thể sử dụng mẫu văn khấn chung ngày tuần tiết sóc vọng.
VĂN KHẤN LỄ ÂM PHẦN LONG MẠCH,
SƠN THẦN THỔ PHỦ TIẾT THANH MINH
(Bài này dùng cho con cháu ra thăm viếng mộ, thắp hương hoặc tảo mộ, đắp mộ, xây mộ hay các ngày thanh minh, Nguyên Đán để xin phép các vị Thần Linh ở khu mộ, sau đó mới tiến hành làm).
Na Mô A Di Đà Phật !
Kính lạy:
- Hoàng thiên Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.
- Các ngài Thần Linh bản xứ cai quản ở trong khu vực này.
Hôm nay là ngày .....Nhân tiết Thanh Minh.
Tín chủ con là: ........
Ngụ tại: ............
Thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật và các thứ cúng dâng bày ra trước án, kính mời chư vị Tôn thần lai lâm chiếu giám.
Tình cớ chỉ vì: chúng con có ngôi mộ của ......... Táng tại xứ này, nay muốn sửa sang xây đắp (hoặc tảo mộ, bốc mộ ...) vì vậy chúng con xin kính cáo các đấng Thần minh, Thổ Công, Thổ Phủ long mạch, Tiền Chu tước, Hậu Huyền vũ, Tả Thanh long, Hữu Bạch hổ và Liệt vị Tôn thần cai quản ở trong khu vực này. Thiết nghĩ: Tôn thần thông minh chính trực, đức lớn công cao, nhân từ hiếu sinh, hộ nhân giúp vật, nay xin thương xót tín chủ chúng con, tới đây chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho vong linh được an nhàn yên ổn, siêu thoát u đồ. Lại phù trì cho tín chủ chúng con toàn gia đình mạnh khoẻ an ninh, tám tiết bốn mùa thịnh vượng, khiến cho tất cả đều được thấm nhuần, tắm gội ánh quang của chư vị phúc thần.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.Cẩn cáo
VĂN KHẤN LỄ VONG LINH NGOÀI MỘ
TIẾT THANH MINH
(Dùng trong các ngày tảo mộ, đắp mộ, xây mộ hoặc thăm viếng mộ ...)
Na Mô A Di Đà Phật !
Chúng con và toàn thể gia đình con cháu, nhờ công ơn võng cực, nền đức cao dầy, gây dựng cơ nghiệp của ........................................ chạnh lòng nghĩ đến âm phần ở nơi hoang vắng, thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật và các thứ cúng dâng, cáo yết tôn thần, hiến cúng hương linh ........................ Lại xin sửa sang phần mộ, bồi xa, bồi thổ, cho được dầy bền, tu sửa minh đường hậu quỷ cho thêm vững chắc. Nhờ ơn Phật Thánh phù trì, đội đức trời che đất chở, cảm niệm Thần Linh phù độ, khiến cho được chữ bình an, âm siêu dương thái. Con cháu chúng con xin vì hương linh .... phát nguyện tích đức tu nhân, làm duyên, làm phúc, cúng dâng Tam Bảo, giúp đỡ cô nhi quả phụ, tế bần cứu nạn, hiếu thuận tông nhân để lấy phúc này hướng về tiên tổ.
Cúi xin linh thiêng chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì con cháu, qua lại soi xét cửa nhà. Che tai cứu nạn, ban tài tiếp lộc, điềm lành mang đến, điềm dữ xua đi. Độ cho gia đạo hưng long, quế hoè tươi tốt, cháu con vui hưởng lộc trời, già trẻ nhuần ơn Phật Thánh.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo
Kính lạy hương linh .........
(Hiển khảo, Hiển tỷ hoặc Tổ khảo) .............
Hôm nay là ngày ..... tháng ..... năm .......
Tín chủ là: .............
Nhân tiết ............