Nghi Lễ dâng hương & Sớ, Biểu, Trạng, Điệp, Khoán..

Dâng hương tại gia

Cập nhật : 05/07/2014
Dâng hương tại gia là một tập tục truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Xưa, nay dù thuộc tầng lớp nào của xã hội, người Việt Nam đều không bỏ tục ấy, đều lập ban thờ (giường thờ) Gia Tiên và Gia Thần. Gia Thần và Gia Tiên có thể được thờ trên cùng bàn thờ

 

 


DÂNG HƯƠNG TẠI GIA

 

Dâng hương tại gia là một tập tục truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Xưa, nay dù thuộc tầng lớp nào của xã hội, người Việt Nam đều không bỏ tục ấy, đều lập ban thờ (giường thờ) Gia Tiên và Gia Thần. Gia Thần và Gia Tiên có thể được thờ trên cùng bàn thờ, cũng có khi được tách ra ở hai vị trí khác nhau. Ngoài ra, một số gia đình theo Đạo Phật hay Công giáo còn có thêm ban thờ Phật, thờ Bồ Tát - Nhất là Bồ Tát Quán Âm, hay thờ Chúa. Dù được thờ chung hay riêng, người Việt Nam vẫn phân biệt rõ Gia Thần và Gia Tiên.

1. Thờ Gia Tiên: Là thờ “vong linh” của bố, mẹ, ông, bà, cụ, kỵ mà “theo dòng máu, mủ” đã sinh ra mình.

Đạo lý làm người của người Việt Nam là “uống nước nhớ nguồn”, kính trọng ông bà cha mẹ khi còn sống, phụng dưỡng khi ốm đau, thờ cúng khi đã khuất. Vì tin rằng “Chết là thể xác, hồn là tinh anh”, cho nên dù ông bà cha mẹ ... đã “khuất núi” thì cũng chỉ là phần hữu hình, thể xác. Còn “vong linh” thì vẫn cảm ứng cùng cuộc sống của cháu, con, vẫn theo dõi, phù trì cho cuộc đời con, cháu mỗi khi có việc đau buồn hay vui vẻ cùng các kỳ giỗ chạp, tuần tiết, sóc, vọng ... 2. Thờ Gia Thần: Đó là các vị thần tại gia như Thổ Công, Thổ Địa, Thần tài, Thần hổ, Đức Thánh quan ... Trong đó Thần Thổ Công được thờ phổ biến, được coi như vị Thần “Đệ nhất gia chi chủ” (vị Thần quan trọng nhất trong một gia đình). Thậm chí có gia đình còn quan niệm: vợ chồng mình là con thứ nên không thờ Gia Tiên, nhưng không thể bỏ qua việc thờ cúng dâng hương vị Thổ Công vào các dịp tuần, tiết sóc vọng ... Hiện nay Thần Tài cũng được nhiều gia đình rất coi trọng.

Nếu thờ Gia Thần, Gia Tiên cùng một ban thờ: thì vị trí bát nhang thờ Gia Thần phải đặt cao hơn bát nhang thờ Gia Tiên một chút.

Người Việt Nam xưa, nay thờ Thổ Công, Thổ Địa có 2 cách: Hoặc đặt trên bàn cao, hoặc đặt trên nền nhà. Theo khảo cứu, cách đặt thờ Thổ Công. Thổ Địa trên nền nhà là theo tục của người Tầu xưa. Trên bàn thờ Thổ Công của người Việt Nam thường đặt thờ ba mũ: hai mũ ông, một mũ bà, cũng có thể chỉ là một mũ ông. Mỗi mũ này có màu sắc khác nhau, tượng trưng cho màu ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ, vì mỗi năm thuộc các hành khác nhau. Bài vị cũng đồng mầu sắc như vậy.

3. Một số nguyên tắc chung của tục dâng hương tại gia vào các dịp tuần, tiết, sóc vọng.

Mỗi tuần, tiết dâng hương tại gia đều có những khác nhau nhất định từ phẩm vật dâng cúng tới một số nghi thức và văn khấn, sông giữa các kỳ tuần, tiết ấy vẫn có những nguyên tắc chung:

a. Vào ngày tuần, tiết dâng hương phải khấn Gia Thần (thần ngoại) trước, Gia Tiên sau.

b. Vào ngày giỗ Gia Tiên thì phải cáo yết Thần Linh trước sau mới cúng Gia Tiên.

- Khi cúng giỗ ai thì phải khấn người đó trước rồi tiếp đến Tổ Tiên nội ngoại, thứ đến Thần Linh chúa đất, sau cùng mới là tiền chủ, hậu chủ.

c.Khi dâng hương lễ Thần ngoại Thổ Công, Táo quân, hay Thần Thánh thì bắt buộc phải nhập quán và xưng quốc hiệu (nêu địa chỉ).

d. Khi dâng hương lễ thần nội (Tổ tiên) thì không được nhập quán và xưng quốc hiệu (nêu địa chỉ).

Nếu:

- Bố chết thì phải khấn là Hiền khảo

- Mẹ chết thì phải khấn là Hiền Tỷ

- Ông chết thì phải khấn là Tổ khảo

- Bà chết thì phải khấn là Tổ tỷ

- Cụ ông chết thì phải khấn là Tằng Tổ khảo

- Cụ  bà chết thì phải khấn là Tằng Tổ tỷ

- Anh em đã chết thì phải khấn là Thệ Huynh, Thệ Đệ

- Chị em gái đã chết thì phải khấn là Thệ tỷ, Thệ muội

- Cô dì, chú bác đã chết thì phải khấn là Bá thúc cô dì tỷ muội

Hoặc khấn chung là Cao tằng tổ khảo tỷ nội ngoại Gia Tiên.

đ. Các phẩm vật dâng cúng: Có thể “lễ chay” và lễ mặn. Những gia đình có ban thờ Phật thì chỉ dâng “lễ chay”, lễ có thể “bạc mọn”, hay “sang trọng” nhưng không thể thiếu: Hương, Đăng, (đèn, nến), trà (chè), quả, tửu (rượu) nước thanh thuỷ, trầu cau (thường 1 hoặc 3 quả cau còn cuống với 1 lá trầu) Tiền vàng (Kim ngân). Riêng đèn, nến thường là 1 cặp hai bên phải, trái (Tả, hữu) bàn thờ và đặt cao hơn các phẩm vật khác. Đôi đèn, nến này tượng trưng cho 2 vầng Nhật Nguyệt (mặt Trời, mặt Trăng) và được thắp sáng suốt buổi lễ dâng hương.

e. Thắp nhang: Dù là kỳ dâng hương nào, lễ vật dây cúng trên bàn thờ có thể chung nhưng nếu có nhiều bát nhang thì bát nganh nào cũng đều phải thắp hương, hương được thắp theo số lẻ: 1, 3, 5, 7 ... vì số lẻ thuộc dương. Theo luật “cơ ngẫu” của dịch lý thì số lẻ thuộc dương, tượng trưng cho phần vô hình, cho trời, cho trong sạch, cho sự mở của vạn vật ...

Nói là số lẻ nhưng theo lệ thường thì mỗi bát nhang 3 nén, khi nhang bén gần hết 1 tuần nhang thì gia chủ thắp 1 tuần nữa rồi xin phép Gia Thần. Gia Tiên hoá vàng ngay giữa 2 tuần nhang. Tiền vàng khi hoá thành tro gia chủ thường vảy rượu vào tro.

Tại sao lại thường thắp 3 nén ? Tục xưa tin rằng khi thắp nhang lên trời thì Trời - Đất - Người có sự cảm ứng. Cũng theo triết lý của người Phương Đông thì cái nguyên lý phổ quát của vũ trụ, vạn vật tương ứng, tương cảm là: Thiên - Địa - Nhân. Vậy nên, có lẽ 3 nén là tượng trưng cho 3 ngôi Trời - Đất - Người chăng ?

Tại sao lại rót rượu vào tro hoá vàng, tiền cúng ? Vì người xưa tin rằng có làm như vậy thì người cõi âm mới nhận được. Chưa rõ sự tích và triết lý của việc ấy ra sao. Ngày nay chỉ thấy ai cẩn thận lắm mới làm điều ấy.

g. Vái và lễ: Mỗi kỳ dâng hương đều có vái và lễ.

Vái thì các ngón tay đan vào nhau.

Lễ thì hai bàn tay áp vào nhau, các ngón tay của 2 bàn tay phải, trái không so le, không choãi các ngón ra như hình rẻ quạt và đều đặt ở vị trí ngang trước ngực.

Vái và lễ chỉ được thực thi sau khi các phẩm vật cúng lễ đã được đặt trên bàn thờ, đèn, nến đã được thắp sáng; nhang (hương) đã châm lửa. Có người cẩn thận không dùng lửa ở hai ngọn đèn (nến) để đốt hương, bảo rằng đó là “lửa thơd”. Các nén nhang sai khi đã châm lửa, người làm lễ kính cẩn dùng hai tay dâng các nén nhang ở vị trí ngang trán, vái ba vái rồi cắm nhang vào bát nhang trên ban thờ. Cũng có người cắm nhang vào bát nhang rồi mới vái. Vái ba vái xong thì đọc văn khấn. Khấn xong, lễ bốn lễ và thêm ba vái.

Vái và lễ là hai biểu tượng nghi lễ có đôi chút khác nhau nhưng có điểm chung: đều là biểu tượng của sự giao hoà, cảm ứng Âm - Dương. Hai bàn tay tượng trưng cho hai nửa Âm Dương của vòng tròn thái cực, tay trái thuộc dương, tay trái thuộc âm, nên khi các ngón tay của hai bàn tay được dan vào nhau hay áp vào nhau là biểu tượng của sự giao tiếp, giao thái, giao hoà Âm Dương, còn các ngón tay thì tượng trưng cho Ngũ Hành.

Ngón cái - Thổ

Ngón trỏ - Kim

Ngón giữa - Thuỷ

Ngón deo nhẫn - Mộc

Ngón út - Hoả

Ấy là cái  vòng tương sinh ngũ hành của hai nửa Âm - Dương.

h. Khi lễ Phật: Dù có xưng địa chỉ hay không xưng địa chỉ, nói tên hay không nói tên cũng đều được cả, chỉ cốt dãi bày lầm lỗi  và ăn năn trước Phật đài sau đến cầu nguyện những điều mình mong muốn là được.

A. CÁC KỲ DÂNG HƯƠNG VÀO CÁC TIẾT LỄ TRONG NĂM 


      1. Dâng hương “Ông Táo chầu trời” (23 tháng Chạp)

Trong các vị thần thời cổ, Táo thần (thần bếp) là vị thần theo sát cuộc sống của mọi người với vai trò tay chân của Ngọc Hoàng đến với muôn nhà, thườngngày ghi lại những công tội tốt xấu của mọi người để hàng năm vào 23 tháng Chạp lại trở về trời báo cáo với Ngọc Hoàng, làm cơ sở để Ngọc Hoàng thưởng cho cái tốt và phạt những cái xấu, cái ác. Trong “bão phác tử” của Tấn Cát Hồng còn nói: Cứ vào cuối mỗi tháng. Táo thần lại về trời để phản ánh tình hình nhân gian. Nếu ai có lỗi với Táo thần (Việt Nam hay gọi là Táo quân) bị Táo quân tố cáo với Ngọc Hoàng, tội nghiêm trọng thì bị cắt bớt 300 ngày sống, nếu tội nhẹ thì bị cắt 100 ngày sống. Kiểu phạt bằng cách cướp đi thời gian sống của đời người, thì ai mà không sợ. Vì thế, thời cổ dân gian hầu như nhà nào cũng hết sức mình thành tâm thờ cúng Táo quân không dám đơn sai. Tất nhiên mọi người thờ cúng Táo quân không chỉ vì sợ mà chủ yếu hơn là mọi người muón cầu xin Táo quân ban cho mình những điều tốt đẹp. Sách “Hậu Hán thư” có ghi một câu chuyện như sau: Vào năm Hán Tuyên Đế phong tước, có một người tên là Âm Tử Phương nấu cơm vào sáng sớm mồng 8 tháng chạp (8 tháng 12 âm lịch). Táo thần đột ngột xuất hiện. Nhà anh ta lúc này chỉ có một con thó, thế là Âm Tử Phương liền giết con chó để cúng Táo thần (chó được dùng để cúng tế gọi là “Hoàng dương”. Từ đó, Âm Tử Phương luôn gặp vận may, trở thành nhà giàu một cách nhanh chóng. Gia đình anh ta hưng thịnh. Làm nhà cao cửa rộng, không chỉ nhà ngói mà còn có ruộng tốt tới 700 khoảnh (đơn vị đo diện tích của Trung Quốc). Ăn thì toàn là sơn hào hải vị, mặc thì toàn là lụa là gấm vóc. Con là Âm Thức, Âm Hưng đều sáng láng, được làm quan to trong triều. Tin tức truyền đi, mọi người biết được Táo thần còn đem lại của cải giàu có cho mọi người, thế là uy phong của Táo thần ngày càng lớn.

Câu chuyện được thêu dệt, nhằm mục đích ổn định trật tự xã hội, buộc dân chúng phải an phận thủ thường. Còn việc dân gian cúng Táo thần là bắt nguồn từ sự sùng bái của loài người đối với “lửa”. Từ thuở hoang sơ con người vật lộn với thiên nhiên và học được cắch dùng lửa. Lửa đem lại ánh sáng, hơi ấm cho con người. Và với thức ăn chín nhờ có lửa khiến cho thể chất con người khoẻ mạnh cường tráng hơn. Lửa dần dần trở thành một trong những vật sùng bái tự nhiên của con người, và vào mùa hè hàng năm người ta đều cúng Táo thần họ cho rằng Táo thần đã ban phúc đức cho loài người. Đống lửa không bao giờ tắt phải được ủ  và đốt trong bếp vì thế thần lửa và thần bếp (hoả thần và Táo thần) là một. Đời Hán, các đại sư nhà nho đã có cuộc tranh luận về Táo thần là nữ hay nam. Hứa Thuận dẫn kinh điển nói Táo thần là nam; Trịnh Huyền thì xuất phát từ thực tế phụ nữ là người nấu bếp chủ trì việc ăn uống, và cho rằng Táo thần là nữ. Cuộc tranh luận giới tính của Táo thần phản ánh quá trình diễn biến của tục thờ cúng Táo quân, từ thời hoang sơ, tiến vào xã hội Mẫu hệ, việc quản lý lửa thiêng và dùng lửa để nướng thức ăn, rồi chia cho từng người trong bộ lạc, đều do một phụ nữ có uy tín tối cao trong bộ lạc đảm nhận. Vì thế Táo thần cũng được tạo ra bằng hình tượng nữ tính. Vào thời kỳ phụ hệ, tất cả mọi quyền lực từ tay phụ nữ chuyển sang cho nam giới, giới tính của Táo thần cũng chuyển từ nữ sang nam. Từ đó, Táo thần là một vị Thần Linh nam tính đã ăn sâu vào trong lòng mọi  người, trở thành một hình tượng sâu sắc nhất trong xã hội phong kiến. Vào ngày này các gia đình Việt Nam thường làm lễ dâng hương tiễn ông Táo. Ngoài những phẩm vật cúng lễ thường kỳ trong năm, người ta thường mua thêm 1 hoặc 2 con cá chép sống, cúng xong thường phóng sinh (thả) ra ao hồ, sông ngòi vì tin rằng cá chép sẽ hoá rồng đưa ông Táo lên Trời.

Mũ và bài vị thờ ông Táo năm cũ được hoá (đốt) đi cùng với tiền, vàng (đồ mã) sau khi làm lễ tiến, đồng thời thay vào bàn thờ: mũ và bài vị mới. Chân hương cũ cũng được hoá cùng với đồ hàng mã cũ. Có người thường để lại 3 chân nhang cũ để thờ tiếp.

Lễ tiến ông Táo chầu trời thường được tiến hành vào chiều ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm.
Tiện ích Bambu
Tin liên quan
Bạn cần tìm kiếm?
Advert Advert2 Advert3
TextLink
BAO LA VẠN SỰ

Mobile: 0913 290 384  /  Email: tranngockiem57@gmail.com hoặc tuvan@phuclaithanh.com

Copyright © 2014   BaoLaVanSu. Thiết kế và phát triển bởi Bambu®