Những Khoa Lễ Ngày Tết thường dùng
Dâng hương “Ông Táo chầu trời”
(23 tháng Chạp)
Trong các vị thần thời cổ, Táo thần (thần bếp) là vị thần theo sát cuộc sống của mọi người với vai trò tay chân của Ngọc Hoàng đến với muôn nhà, thườngngày ghi lại những công tội tốt xấu của mọi người để hàng năm vào 23 tháng Chạp lại trở về trời báo cáo với Ngọc Hoàng, làm cơ sở để Ngọc Hoàng thưởng cho cái tốt và phạt những cái xấu, cái ác. Trong “bão phác tử” của Tấn Cát Hồng còn nói: Cứ vào cuối mỗi tháng. Táo thần lại về trời để phản ánh tình hình nhân gian. Nếu ai có lỗi với Táo thần (Việt Nam hay gọi là Táo quân) bị Táo quân tố cáo với Ngọc Hoàng, tội nghiêm trọng thì bị cắt bớt 300 ngày sống, nếu tội nhẹ thì bị cắt 100 ngày sống. Kiểu phạt bằng cách cướp đi thời gian sống của đời người, thì ai mà không sợ. Vì thế, thời cổ dân gian hầu như nhà nào cũng hết sức mình thành tâm thờ cúng Táo quân không dám đơn sai. Tất nhiên mọi người thờ cúng Táo quân không chỉ vì sợ mà chủ yếu hơn là mọi người muón cầu xin Táo quân ban cho mình những điều tốt đẹp. Sách “Hậu Hán thư” có ghi một câu chuyện như sau: Vào năm Hán Tuyên Đế phong tước, có một người tên là Âm Tử Phương nấu cơm vào sáng sớm mồng 8 tháng chạp (8 tháng 12 âm lịch). Táo thần đột ngột xuất hiện. Nhà anh ta lúc này chỉ có một con thó, thế là Âm Tử Phương liền giết con chó để cúng Táo thần (chó được dùng để cúng tế gọi là “Hoàng dương”. Từ đó, Âm Tử Phương luôn gặp vận may, trở thành nhà giàu một cách nhanh chóng. Gia đình anh ta hưng thịnh. Làm nhà cao cửa rộng, không chỉ nhà ngói mà còn có ruộng tốt tới 700 khoảnh (đơn vị đo diện tích của Trung Quốc). Ăn thì toàn là sơn hào hải vị, mặc thì toàn là lụa là gấm vóc. Con là Âm Thức, Âm Hưng đều sáng láng, được làm quan to trong triều. Tin tức truyền đi, mọi người biết được Táo thần còn đem lại của cải giàu có cho mọi người, thế là uy phong của Táo thần ngày càng lớn.
Câu chuyện được thêu dệt, nhằm mục đích ổn định trật tự xã hội, buộc dân chúng phải an phận thủ thường. Còn việc dân gian cúng Táo thần là bắt nguồn từ sự sùng bái của loài người đối với “lửa”. Từ thuở hoang sơ con người vật lộn với thiên nhiên và học được cắch dùng lửa. Lửa đem lại ánh sáng, hơi ấm cho con người. Và với thức ăn chín nhờ có lửa khiến cho thể chất con người khoẻ mạnh cường tráng hơn. Lửa dần dần trở thành một trong những vật sùng bái tự nhiên của con người, và vào mùa hè hàng năm người ta đều cúng Táo thần họ cho rằng Táo thần đã ban phúc đức cho loài người. Đống lửa không bao giờ tắt phải được ủ và đốt trong bếp vì thế thần lửa và thần bếp (hoả thần và Táo thần) là một. Đời Hán, các đại sư nhà nho đã có cuộc tranh luận về Táo thần là nữ hay nam. Hứa Thuận dẫn kinh điển nói Táo thần là nam; Trịnh Huyền thì xuất phát từ thực tế phụ nữ là người nấu bếp chủ trì việc ăn uống, và cho rằng Táo thần là nữ. Cuộc tranh luận giới tính của Táo thần phản ánh quá trình diễn biến của tục thờ cúng Táo quân, từ thời hoang sơ, tiến vào xã hội Mẫu hệ, việc quản lý lửa thiêng và dùng lửa để nướng thức ăn, rồi chia cho từng người trong bộ lạc, đều do một phụ nữ có uy tín tối cao trong bộ lạc đảm nhận. Vì thế Táo thần cũng được tạo ra bằng hình tượng nữ tính. Vào thời kỳ phụ hệ, tất cả mọi quyền lực từ tay phụ nữ chuyển sang cho nam giới, giới tính của Táo thần cũng chuyển từ nữ sang nam. Từ đó, Táo thần là một vị Thần Linh nam tính đã ăn sâu vào trong lòng mọi người, trở thành một hình tượng sâu sắc nhất trong xã hội phong kiến. Vào ngày này các gia đình Việt Nam thường làm lễ dâng hương tiễn ông Táo. Ngoài những phẩm vật cúng lễ thường kỳ trong năm, người ta thường mua thêm 1 hoặc 2 con cá chép sống, cúng xong thường phóng sinh (thả) ra ao hồ, sông ngòi vì tin rằng cá chép sẽ hoá rồng đưa ông Táo lên Trời.
Mũ và bài vị thờ ông Táo năm cũ được hoá (đốt) đi cùng với tiền, vàng (đồ mã) sau khi làm lễ tiến, đồng thời thay vào bàn thờ: mũ và bài vị mới. Chân hương cũ cũng được hoá cùng với đồ hàng mã cũ. Có người thường để lại 3 chân nhang cũ để thờ tiếp.
Lễ tiến ông Táo chầu trời thường được tiến hành vào chiều ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm.
VĂN KHẤN LỄ ÔNG TÁO CHẦU TRỜI
(23 tháng Chạp)
Na Mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy ngài Đông trù tư mệnh Táo Phủ thần quân.
Tín chủ con là: ........................
Ngụ tại: ...........................
Nhân ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến tôn thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông trù tư mệnh Táo Phủ thần quân, giáng lấm trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin tôn thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo
Dâng hương vào Tết Nguyên Đán
Lễ Tết Nguyên đán là lễ lớn nhất trong số các lễ, Tết cổ truyền của người Việt Nam. Về mặt triết lý, lễ Tết này là thời điểm giao thái Âm - Dương (Hai quẻ Kiền - Khôn) là thời điểm giao hoà của Thiên - Địa - Nhân, là bước chuyển vận “Tổng cựu Nghinh tân” (cái cũ, vận cũ qua đi, cái mới vận mới đương lại). Như thế Tết Nguyên Đán là chuyển giao chu kỳ giữa hai năm: Cũ - Mới.
Tết Nguyên Đán là dịp Tết của sự sum họp trong mỗi gia đình Việt Nam: Sự sum họp của các thành viên mỗi gia đình, sự gặp gỡ của các Gia Thần: Táo quân, Thổ Công, Tiên sư, sự trở về của các vong linh Tiên Tổ. Cái quan niệm văn hoá - tín ngưỡng của người Việt Nam về dịp Tết Nguyên Đán là như thế.
Vì sao ăn tết mọi người thích dán chữ “Phúc”
Theo truyền thuyết, Minh Thái Tổ là Chu Nguyên Chương thường ăn mặc giả dạng để đi thăm dân. Có một tết ông mặc giả 1 người dân thường đến một thị trấn đông dân, khi nhìn thấy 1 đám đông đang túm lại, đầu người nhấp nhô chuyển động tiếng cười nói huyên náo. Nhà vua chen vào xem thì hoá ra đám đông đang chế nhạo về bức hoạ. Bức hoạ vẽ 1 người con gái tay ôm quả dưa hấu, để lộ đôi chân trần rất to. Nhà vua nghĩ là hình ảnh cô gái Hoài Tây, với đôi chân to để chỉ các cô gái nhà nghèo không có điều kiện để bó chân theo phong tục bấy giờ. Mà Hoàng Hạu ta cũng chính là người con gái chân to Hoài Tây đó, hẳn rằng họ cười chê ác độc đối với Hoàng Hậu ?
Nhà vua dấu mình trở về cung rồi phái mấy quan viên thân tín đến thị trấn với nhiệm vụ ghi vào sổ đen tên người vẽ tranh và những người đứng chễ giễu bức tranh đó. Sau đó dán tờ giấy có chữ “Phúc” trước cửa những nhà không tham gia. Các quan viên hoàn thành nhiệm vụ trở về. Chu Nguyên Chương lập tức phái đại binh tiến về thị trấn, phàm tất cả những nhà không có dán chữ Phúc đều bị bẻ cửa, cướp sạch của cải. Từ đó về sau, cứ đến Tết mùa xuân, mọi người đều dán chữ Phúc lên cửa nhà mình và dần trở thành tập tục.
Giải thích tập tục Tết mùa xuân dán chữ “Phúc”, đầu tiên phải hiểu nội dung chữ Phúc là gì. Sách “Thượng thư - Hồng Phạm” viết rằng: “Nhất viết Thọ, nhị viết Phúc, tam viết Khang ninh, tứ viết du hảo đức, ngũ viết khảo chung mệnh”.
- Thọ chỉ trường thọ
- Phúc chỉ sự giàu có về vật chất
- Khang ninh chỉ thân thể khoẻ mạnh không có bệnh tật
- Du hảo đức chỉ đạo đức cao đẹp
- Khải chung mệnh là đạt được cái thiện mãi mãi
- Người xưa cho rằng muốn đạt được “ngũ phúc” (tức là 5 điều nói trên) có một số mặt có thể định được nhờ sự cố gắng của bản thân ví dụ như cầu phúc, tu đức, nhưng tuổi thọ dài ngắn của một đời người và cách chết là không thể quyết định được. Muốn được trường thọ và thiên chung chỉ có thể cầu xin Thần Linh và tổ tiên cho mà thôi. Hàng năm vào dịp Tết đầu mùa xuân là lúc cúng tế tổ tiên và Thần linh và dán chữ Phúc ở cửa nhà là thể hiện nguyện vọng cầu xin Thần Linh và tổ tiên ban cho mọi nhà mọi người có được hạnh phúc trong năm mới. Lâu rồi trở thành tục lệ.
a. Dâng hương Tất niên (chiều 30 Tết)
Vào chiều ngày cuối cùng tháng Chạp (tháng đủ là ngày 30, tháng thiếu là ngày 29), các gia đình Việt Nam thường làm lễ dâng hương Tất niên (kết thúc năm cũ, chuẩn bị đón năm mới).
Đơn giản thì gia chủ soạn một mâm cơm cúng dâng lên Gia Thần, Gia Tiên gọi là lễ mọn dâng cúng tạ ơn Gia Thần, Gia Tiên đã phù hộ, độ trì cho gia đình mọi bề tốt đẹp trong năm đã qua.
Điều quan trọng, trước khi cúng lễ Tất niên cần phải đi thăm mộ phần Tiên tổ; đắp, sửa lại mộ phần, cắm mấy nén nhang rồi khấn mời Gia Tiên về nhà hoặc Từ đường ăn Tết cùng gia đình (gọi là lễ Chạp).
VĂN KHẤN LỄ TẠ MỘ VÀO NGÀY 30 TẾT
(Còn gọi là lễ Chạp)
Na Mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy:
- Ngài Kim niên Đương cai Thế tuế Chí đức Tôn thần, Kim niên hành binh, Công tào Phán quan.
- Ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương.
- Ngài Bản xứ Thần Linh Thổ Địa tôn thần.
- Các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ long mạch Tôn thần. Tiền Chu tước, hậu Huyền vũ, tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn thần cai quản ở trong xứ này.
Kính lạy hương linh cụ .........
Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp, nhằm tiết cuối đông sắp sang năm mới.
Chúng con là ..........................
Sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Tôn thần, kính rước vong linh bản Gia Tiên tổ chúng con là ..........................
Có phần mộ tại đây về với gia đình đón mừng năm mới, để cho cháu con phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Tôn thần, phù thuỳ doãn hứa. Âm dương cách trở, bát nước nén nhang, biểu tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo
Dâng hương Giao thừa
Lễ Giao thừa là lễ quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên Đán. Đó là lễ dâng hương vào giây phút chuyển vận giữa giờ cuối cùng (giờ Hợi) của ngày cuối cùng thuộc tháng Chạp năm cũ với giờ khởi đầu (giờ Tý) của ngày đầu tiên thuộc tháng Giêng năm mới. Ý nghĩa “tống cựu nghinh tân” được thực hiện triệt để vào giây phút này. Đây là giây phút rất thiêng liêng trong dịp Tết Nguyên Đán. Người ta tin rằng mọi điềm hay, dở xảy ra vào giây phút này có liên quan tới mọi sự hay, dở của mọi người trong gia đình trong cả năm mới. Vào giây phút ấy mọi người đều quên đi tất cả những gì không hay trong năm mới. Mọi sự kiêng kị được thực hiện triệt để từ giây phút giao thừa tới sáng sớm ngày mồng một Tết
.
Vì sao đêm trừ tịch (đêm 30 Tết) lại phải giữ năm ?
Đêm trừ tịch, cả nhà đoàn tụ, ngồi quanh đống lửa ăn bữa cơm đoàn viên uống rượu hoa tiên, làm lễ tiễn đưa năm cũ, phát tiền mừng tuổi. Mọi người chuốc rượu vui vẻ suốt đêm đến sáng tục gọi là giữ năm (thủ thế).
Tục truyền ngày xưa, ông trời muốn cho dân chúng sống sung sướng cứ đến đêm 30 tháng chạp bèn mở toang cửa nhà trời, đem vàng bạc trong kho rắc xuống trần gian, cho người nhặt. Nhưng có một quy định nhất nhất phải tuân theo: là không ai được có lòng tham, vàng bạc nhặt được, trước tiên phải đem vào nhà, chờ đến trời sáng mới được mửa cửa nhà.
Có hai anh em nhà họ Lý, người anh tham lam vô cùng, người em trung hậu thật thà. Người anh khi cửa trời mở, nhặt được vàng, quên hết tất cả, khi trời chưa sáng đã mở cửa nhà thế là tất cả số vàng ấy đều biến thành đá. Người em thì giữ vàng lại trong nhà, chờ đến khi trời sáng rõ mới mở cửa. Nhờ có được số vàng mà người em từ đó sống rất sung sướng.
Về sau, ông trời phát hiện ra rằng những kẻ tham như ông anh nọ ngày càng nhiều, liền tức mình đóng cửa trời lại, không bao giờ ném vàng xuống trần gian nữa. Nhưng mọi người vẫn mong mỏi được sống sung sướng và hễ cứ đến tối ngày 30 tháng Chạp đều nóng lòng chờ điều may mắn đến - cửa trời mở ra. Cả nhà ngồi đoàn tụ một nơi châm lửa, thắp nến chờ đến khi trời sáng, như vậy năm liền năm, dần dần hình thành tục lệ giữ năm.
Có người bảo rằng tục ngữ năm là bắt nguồn từ tục lệ đuổi bách quỷ xa xưa để cầu an Tết bình an.
Từ xưa đến nay thường không gia đình Việt Nam nào bỏ qua lễ dâng hương vào giây phút Giao thừa.
Thời điểm giao thừa người ta thường cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà.
Lễ vật cúng Giao thừa ngoài trời: những phẩm vật không thể thiếu như: hương, đăng (nến) trầu rượu, vàng, tiền (hàng mã) .v.v... Còn cần có thêm đồ chín như thủ lợn luộc (cả cái), hoặc gà trống luộc (cả con, đủ bộ), xôi nếp, bánh chưng .v.v...
Lễ vật được chuẩn bị từ trước thời điểm Giao thừa, đặt trên bàn hay mâm lớn rồi kê trên một cái đôn (không để trên mặt đất).
Tới đúng thời điểm Giao thừa thì thắp đèn, nhang. Nếu viết văn khấn ra giấy để đọc thì ngay sau khi đọc xong sẽ hoá (đốt) ngay cùng với tiền, vàng dâng cúng.
Tại sao lại có tục dâng hương cúng lễ ngoài trời vào thời điểm giao thừa?
Tục xưa tin rằng “Mỗi năm có một vị Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thì vị thần này giao ban công việc cho vị thần kia, cho nên cúng tế để tiễn đưa thần cũ, đón rước thần mới”.
Thời điểm bàn giao công việc giữa hai vị Hành khiển cùng các Phán quan (giúp việc cho quan Hành khiển) diễn ra hết sức khẩn trương, hơn nữa các vị này là các vị thần cai quản không phải riêng cho một gia đình nào đó mà là mọi công việc dưới trần gian, nên việc làm lễ “Tống cựu nghênh tân” các vị Hành khiển và Phán quan giữa năm cũ và năm mới phải được tiến hành không phải ở trong nhà mà là ngoài trời (sân, cửa). Có 12 vị Hành khiển - hay còn gọi là các vị thần Thời gian. Mỗi vị làm một năm dưới dương gian và cứ sau 12 năm thì lại có sự luân phiên trở lại.
Năm Tý: Chu Vương Hành khiẻn, Thiên Ôn hành binh chi thần, Lý Tào phán quan.
Năm Sửu: Triệu Vương Hành khiển, Tam thập lục phương hành binh chi thần, Khúc Tào phán quan.
Năm Dần: Nguỵ Vương Hành khiển, Mộc Tinh chi thần, Tiêu Tào phán quan.
Năm Mão: Trịnh Vương Hành khiển, Thạch Tinh chi thần, Liễu Tào phán quan.
Năm Thìn: Sở Vương Hành khiển, Hoả Tinh chi thần, Biểu Tào phán quan
Năm Tỵ: Ngô Vương Hành khiển, Thiên Hải chi thần, Hứa Tào phán quan
Năm Ngọ: Tần Vương Hành khiển, Thiên Hải chi thần, Hứa Tào phán quan.
Năm Mùi: Tống Vương Hành khiển, Ngũ Đạo chi thần, Lâm Tào phán quan.
Năm Thân: Tề Vương Hành khiển, Ngũ Miếu chi thần, Tống Tào phán quan
Năm Dậu: Lỗ Vương Hành khiển, Ngũ Nhạc chi thần, Cựu Tào phán quan
Năm Tuất: Việt Vương Hành khiển, Thiên Bá chi thần, Thành Tào phán quan
Năm Hợi: Lưu Vương Hành khiển, Ngũ Ôn chi thần, Nguyễn Tào phán quan
Trong các bài văn khấn giao thừa khi dâng hương ngoài trời đều khấn danh vị của các vị quan Hành khiển cùng các vị Phán quan nói trên. Năm nào thì khấn danh vị của vị quan ấy.
VĂN KHẤN LỄ GIAO THỪA NGOÀI TRỜI
Na Mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy:
- Đức Đương lại hạ sinh Di Lặc Tôn Phật
- Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần
- Ngài Cựu niên Đương cai Hành khiển
- Đương niên Thiên quan (năm nào thì khấn danh vị của vị quan hành khiển năm ấy - Xem ở phần 12 vị hành khiển) ................................ năm ..............
- Các Ngài Ngũ phương, Ngũ hổ, Long mạch, Táo quân, chư vị Tôn thần.
Nay là phút giao thừa năm .........................................
Chúng con là: .....................
Ngụ tại: ......................................
Phút thiêng giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, tam dương khai thái, vạn tượng canh tân. Nay ngài Thái Tuế tôn thần trên vâng lệnh Thượng đế giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều để khuyết, lưu phúc lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc. Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án. Cúng dâng Phật Thánh dâng hiến Tôn thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời: Ngài Cựu niên đương cai, Ngài tân niên đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần; Ngài bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương, Ngài bản xứ Thần Linh Thổ Địa, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ hổ, Long mạch Tài thần, các bản gia Táo quân và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho tín chủ: Minh niên khang thái, trú dạ cát tường. Thời thời được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo
VĂN KHẤN LỄ GIAO THỪA TRONG NHÀ
Na Mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy:
- Đức Đương lại hạ sinh Di Lặc Tôn Phật
- Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần
- Long mạch, Táo quân, chư vị Tôn thần
- Các cụ Tổ Tiên nội, ngoại chư vị tiên linh
Nay phút giao thừa năm .......................................
Chúng con là: ...................................
Ngụ tại: ...........................
Phút giao thừa vừa tới, nay theo vận luật, tống cựu nghênh tân, giờ tí đầu xuân, đón mừng Nguyên Đán, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dân Phật Thánh dâng hiến tôn thần, tiến cúng Tổ Tiên, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con xin kính mời:
Ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, Ngài Bản xứ Thần Linh Thổ Địa, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ hổ, Long mạch Tài thần, các ngài bản gia Táo quân và chư vị Thần Linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật. Con lại kính mời các cụ tiên linh Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ tỷ, Bá thúc huynh đệ, Cô di tỷ muội, nội ngoại tộc chư vị hương linh cúi xin giáng về linh sàng hâm hưởng lễ vật.
Tín chủ lại kính mời các vị vong linh tiền chủ hậu chủ, y thảo phụ mộc ở trong đất này.
Nhân tiết giao thừa, giáng lâm trước án chiêm ngưỡng tân xuân, thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho tín chủ: Minh niên khang thái, trú dạ cát tường. Thời thời được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo
Văn khấn ngày Tết Nguyên Đán
VĂN KHẤN THẦN LINH TRONG NHÀ
Na Mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy:
- Đức Đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật
- Phật Trời, Hoàng thiên Hậu thổ
- Chư vị Tôn thần
Hôm nay là ngày mồng 1 tháng Giêng, nhằm ngày Tết Nguyên Đán đầu xuân, giải trừ gió đông lạnh lẽo, hung nghiệt tiêu tan, đón mừng Nguyên Đán xuân thiên, mưa móc thấm nhuần, muôn vật tưng bừng đổi mới. Nơi nơi lễ tiết, chốn chốn tường trình.
Tín chủ con là: .............................
Ngụ tại: ............................................
Nhân tiết minh niên sắm sửa hương hoa, cơm canh lễ vật bầy ra trước án, dâng cúng Thiên Địa Tôn Thần. Thiết nghĩ Tôn thần hào khí sáng loà, ân đức rộng lớn. Ngôi cao vạn trượng uy nghi, vị chính mười phương biến diện. Lòng thành vừa khởi, Tôn đức cảm thông. Cúi xin giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật. Nguyện cho chúng con mọi người hoan hỉ vinh xương, con cháu cát tường khang kiện. Mong ơn Đương cảnh Thành hoàng, đội đức Tôn thần bản xứ. Hộ trì tín chủ, gia lộc gia ân, xá quá trừ tai. Đầu năm chí giữa, nửa năm chí cuối, sự nghiệp hanh thông, sở cầu như ý.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo
VĂN KHẤN TÔ TIÊN NGÀY MỒNG 1 TẾT
Na Mô A Di Đà Phật !
Kính lạy:
- Đức Đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.
- Các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, bá thúc huynh đệ, đường thượng tiên linh và các hương hồn nội tộc, ngoại tộc.
Nay theo tuế luật, âm dương vận hành tới tuần Nguyên Đán, mồng 1 đầu xuân mưa móc thấm nhuần, đón mừng năm mới. Con cháu tưởng niệm ân đức Tổ Tiên, như trời cao biển rộng, khôn đem tấc cỏ báo ba xuân. Do đó chúng con cùng toàn thể con cháu trong nhà sửa sang lễ vật, oản quả hương hoa kính dâng lên trước án.
Kính mời các cụ Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ tỷ, Bá thúc đệ huynh. Cô di tỷ muội, nam nữ tử tôn nội, ngoại. Cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng giáng về linh sàng, phù hộ độ trì con cháu năm mới an khang, mọi bề thuận lợi, sự nghiệp hanh thông. Bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng. Tín chủ lại mời: các vị vong linh, tiền chủ, hậu chủ ở trong đất này cùng về hâm hưởng.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giá
Cẩn cáo
Lễ tạ (Lễ hoá vàng)
Lễ tạ, lễ hoá vàng hay còn gọi là Tết Khai hạ. Đây chính là ngày làm lễ dâng hương “bế mạc” dịp Tết Nguyên Đán để mọi người tiếp tục công việc thường nhật của mình.
Theo tục xưa để lại thì lễ tạ được tiến hành vào ngày mồng Bảy tháng Giêng âm lịch.
Theo sách “Phương sóc chiêm thú” thì sở dĩ lễ tạ được tiến hành vào ngày 7 Giêng là vì ngày thứ bảy đầu năm mới là “ngày của Người” (Nhân nhật); còn các ngày khác từ mồng một Tết Nguyên Đán đến mồng Tám tháng Giêng là các ngày của các giống động vật và thực vật:
Mồng Một là ngày của giống Gà, mồng hai là của giống Chó, mồng ba của giống Lợn, mồng bốn của giống Dê, mồng năm của giống Trâu, mồng sáu của giống Ngựa, mồng Tám của giống Thóc (lúa).
Vào chiều ngày ấy, ngày nào đẹp trời thì giống thú hay thực vật của ngày ấy sẽ khoẻ mạnh, tốt đẹp trong cả năm đó. Hiện nay nay vẫn có người tin vào những “điềm” báo trước ấy để có những “tiên đoán” cho cả năm.
Ngày nay tuỳ hoàn cảnh cụ thể công việc của mỗi nơi người ta có thể tiến hành Lễ tạ vào các ngày khác như vào mồng hai, mồng ba ... chứ không cứ phải vào mồng Bảy. Xem thế thì thấy người Việt Nam hiện nay chủ yếu căn cứ vào hoàn cảnh công việc mà làm lễ tạ chứ không câu nệ vào cái “Lý” của sách cổ “Phương sóc chiêm thú” nói ở trên. Tục cũng phải thay đổi theo hoàn cảnh là vậy.
Ý nghĩa quan trọng lễ tạ của người Việt Nam là ở chỗ: Tạ lễ Trời, Đất, Thần, Phật, Gia Tiên ... đã về chứng giám cho lòng thành và sự vui vẻ của những người đương sống nhân dịp Tết đầu năm và cầu xin các đấng cao minh. Tiên tổ gia cát, phù trì cho mọi người trong gia đình tiếp tục bước vào cuộc sống may mắn, phát đạt mọi bề suốt cả năm mới.
Với ý nghĩa đó, không có gia đình Việt Nam nào, xưa cũng như nay, đã dâng hương cúng lễ Giao thừa hay sáng mồng một Tết mà lại bỏ qua làm lễ dâng hương khai hạ, thậm chí những người có điều kiện còn tổ chức buổi lễ tạ khá lớn, mời họ hàng thân thích, bạn bè cùng đến dự và bàn tính dự kiến công việc đầu năm.
Nét khác biệt trong việc dâng hương vào dịp Tết Nguyên Đán so với các dịp lễ, tiết khác trong năm là ở chỗ vào suốt dịp Tết Nguyên Đán, kể từ Lễ tất niên vào chiều ngày 30 năm cũ, tháng chạp cho tới hết lễ tạ, trên các ban thờ trong nhà hương, đèn (nến) không bao giờ không thắp, ngày cũng như đêm. Các phẩm vật dâng cúng dịp Tết như tiền, vàng (đồ hàng mã), bánh chưng, mứt kẹo, ngũ quả, trầu cau .v.v... cũng chỉ được phép hạ xuống vào sau buổi lễ dâng hương khai hạ, trừ các lễ cúng mặn không thể để dài ngày như xôi, thịt ... thì có thể hạ lễ ngay sau mỗi tuần hương dâng cúng vào các buổi, các ngày trong dịp Tết Nguyên Đán.
Sở dĩ phải như vậy vì tục tín ngưỡng cho rằng trong suốt dịp tết Nguyên Đán trước khi làm lễ khai hạ thì các bậc Thần minh và Gia Tiên luôn luôn ngự trên ban thờ. Nếu để hương, đèn (nến) tắt, tự tiện hạ các phẩm vật trước khi Lễ tạ là bất kính đối với Thần minh và Tiên tổ.
Với ý nghĩa quan trọng của ngày Lễ tạ nên ngày làm Lễ tạ được quan niệm cũng là một cái “Tết” - Tết Khai hạ. Nó quan trọng chẳng kém lễ Giao thừa. Bởi thế trước khi dâng hương Lễ tạ ngày xưa người ta cũng có đốt Pháp mừng. Nhiều gia đình tính cẩn thận còn có cả lễ ngoài trời như lễ lúc Giao thừa nữa.
Trước khi hạ toàn bộ phẩm vật dâng cúng trong dịp hết một tuần nhang - thì trước tiên phải thực hiện việc hoá vàng tiền (đem đốt đi). Mỗi lễ vàng, tiền dâng cúng đều được hoá riêng theo thứ tự: Gia Thần trước, Gia Tiên sau - từ các bậc cao nhất đến dưới. Trước khi hạ mỗi lễ như vậy đều cần vái ba vái, và khấn “Con xin thiêu hoá tiền vàng, quần áo .v.v... thỉnh vong linh nhận chút lễ bạc. Tâm thành, kính cáo Tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới”.
Ngày nay, nhiều người làm ăn, buôn bán, sau lễ tạ đều có kén chọn giờ tốt, ngày tốt để khai trương cửa hàng, cửa hiệu.
VĂN KHẤN LỄ TẠ NĂM MỚI
Na Mô A Di Đà Phật ! (3 lần)
Kính lạy:
- Hoàng thiên Hậu thổ chư vị Tôn Thần.
- Ngài Đương niên, Ngài Bản cảnh Thành hoàng, các ngài Thổ Địa, Táo quân, Long mạch, Tôn thần.
- Các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.
Hôm nay là ngày mồng ...... tháng giêng năm ................
Tín chủ chúng con: ........................
Ngụ tại: .................
Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật phù tửu lễ nghi, cung trần trước án. Kính cẩn thưa trình: tiệc xuân đã mãn, Nguyên Đán đã qua, nay xin thiêu hoá kim ngân, lễ tạ Tôn thần, rước tiễn tiên linh trở về âm giới. Kính xin: Lưu phúc lưu ân, phù hộ độ trì, dương cơ âm mộ, mọi chỗ tốt lành. Cháu con được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo
Dâng hương lễ rằm tháng Giêng (Thượng nguyên hoặc Nguyên tiêu)
Tiết rằm tháng Giêng hay lễ Thượng Nguyên cũng có khi gọi là Tết Nguyên Tiêu được người Việt Nam tiến hành cúng lễ dâng hương vào ngày 15 tháng Giêng thường là vào buổi tối khi Trăng lên.
Với người Phật tử thì lễ dâng hương này mang ý nghĩa đặc biệt.
“Lễ Phật quanh năm, không bằng ngày rằm tháng Giêng”. Bởi rằm tháng Giêng là ngày vía của Đức Phật A Di Đà.
Văn khấn được áp dụng chung với các bài văn khấn vào tuần tiết sóc vọng (ngày mồng 1 và rằm).
Trong dịp Tết Nguyên Tiêu, dân gian thường cúng “Thần sao”. Tục lễ ấy bắt nguồn bởi lẽ như sau: Thời Tây Hán Trung Quốc, mọi người có phong tục cúng tế “Thái Ất” cúng tế từ lúc hoàng hôn cho đến khi trời sáng. Tên Thái Ất đã xuất hiện ở thời kỳ Tiên Dần, khi ấy là chỉ nguyên khí hình thành Trời Đất vạn vật. Sau đời Tần Hán “Thái Ất” có 3 cách nói một là biệt danh của thần Bắc Cực, hai là chỉ tên sao nằm ngoài cung Tử vi, ba là chỉ núi Chung Nam (Chung Nam Sơn).
Theo bản đồ sao, phân tích điều ghi chép trên đây, có thể biết: Thái Ất mà đời nhà Hán thờ chỉ sao Bắc Cực, một ngôi sao rất sáng trên bầu trời phương Bắc, một chỉ tiêu mà cổ nhân dựa vào đó để phân biệt phương hướng vào ban đêm. Ở một vị trí khác cách sao Bắc Cực không xa là sao Bắc Đẩu. Sao Bắc Đẩu xuất hiện ở những vị trí khác nhau trên bầu trời ở những thời gian khác nhau của các mùa và các đêm khác nhau. Vì thế, người xem sao Bắc Đẩu xoay quanh sao Bắc Cực. Cổ Nhân căn cứ vào “chiếc cán” của sao Bắc Đẩu chỉ lúc hoàng hôn để quyết định mùa. Cái cán ấy chỉ về Đông thì là mùa Xuân, chỉ về phía nam thì là mùa Hạ, chỉ về phía Tây là mùa Thu, chỉ về phía Bắc là mùa Đông. Điều này hoàn toàn thống nhất với việc miêu tả sao Thái Ất thay đổi theo bốn mùa (biến nhi vi tứ thời) trong sách “Lễ ký” phần “Lễ Vận”. Nhận thức này vốn là cống hiến của Tổ Tiên người Trung Hoa trong lĩnh vực thiên văn học. Nhưng ở vào thời kỳ khó có thể phân biệt được giữa khoa học và mê tín cổ nhân còn chưa thể có được những giải thích khoa học về các hiện tượng thiên nhiên với những cái hoạ, phúc của con người. Như các nhà chiêm tinh cho rằng: Một ngôi sao nào đó chi phối thuỷ hạn, một ngôi nào đó khác thì chi phối đói kém, từ đó mà tiếp tục Thần Thánh hoá các hiện tượng thiên nhiên. Ở Việt Nam xưa kia, sản xuất nông nghiệp, sức sản xuất lạc hậu, cuộc sống dựa vào thiên nhiên, thường sinh ra hoạt động mê tín sùng bái mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú. Đến một lúc nào đó, thì họ hết sức thành tâm cầu mông trời phù hộ cho con người thịnh thế bình an, mùa màng tươi tốt. Sau này từ ngày 15 tháng Giêng trở đi, mọi người cầu cúng thần sao “Thái Ất” suốt cả đêm đến sáng. Đây chính là kế thừa phong tục của cổ nhân sùng bái các thiên thể.
VĂN KHẤN THẦN LINH RẰM THÁNG GIÊNG
(Tết Nguyên tiêu)
Na Mô A Di Đà Phật !
Kính lạy:
- Hoàng Thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn thần
- Ngài Đông trù tư mệnh Táo Phủ thần quân
- Ngài Bản gia Thổ Địa Long mạch Tôn thần
- Các Ngài Ngũ phương, Ngũ hổ, Phúc đức Tôn thần
- Ngài tiền hậu địa chủ tài thần
- Các Tôn thần cai quản ở trong khu vực này
Hôm nay là ngày ....... tháng ........ năm ..........
Tín chủ con là: ...............................
Ngụ tại: .....................
Thành tâm sửa biện, hương hoa lễ vật kim ngân trà quả và các thứ cúng dâng, bầy ra trước án.
Chúng con thành tâm kính mờu:
Ngài Kim niên đương cai Thái Tuế chí đức tôn thần
Ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương
Ngài Đông trù tư mệnh Táo Phủ Thần quân
Ngài Bản gia Thổ Địa Long mạch Tôn thần
Các ngài Ngũ Phương Ngũ Thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản ở trong khu vực này.
Cúi xin các Ngài thương xót tín chủ. Giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia an lạc, công việc hanh thông. Người người được chữ bình an, tám tiết vinh khang thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám
Cẩn cáo
VĂN KHẤN GIA TIÊN VÀO TẾT NGUYÊN TIÊU
(15/ Giêng)
Na Mô A Di Đà Phật !
Kính lạy:
- Hoàng thiên hậu Thổ chư vị Tôn thần
- Ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ Địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn Thần.
- Tổ Tiên, Hiền khảo, Hiền tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ tỷ).
Hôm nay là ngày ....................
Gặp tiết ... Nguyên tiêu, tín chủ con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị Tôn thần, nhớ đức cù lao tiên tổ, mỗi niệm không quên. Do đó chúng con sắm sanh lễ vật, sửa sang hương đăng, trần thiết trà quả dâng lên trước án.
Chúng con kính mời:
Ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương
Ngài Bản xứ Thần Linh Thổ Địa
Ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần.
Cúi xin giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị Hương linh Gia Tiên nội ngoại trong họ, cúi xin thương xót con cháu giáng về linh sàng, chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh, tiền chủ hậu chủ ở trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo