DÂNG HƯƠNG CÚNG MỤ
Người xưa tin rằng thân thể của thai nhi là do bà mụ nặn thành. Vì thế nê 7 ngày (đối với sinh con trai) hay 9 ngày (đối với sinh con gái) sau khi đẻ, người ta làm lễ đầy cữ để tạ ơn Bà mụ (theo tục truyền thì có 12 bà mụ) và xin bà phù hộ và tập dậy cho đứa trẻ biết cười, lật, bò, đứng, đi, ăn, nói ...
Được 1 tháng thì có lễ đầy tháng cũng là lễ tạ ơn Bà mụ, và xin phép Bà mụ đặt tên cho đứa trẻ. Vì trong năm đầu sau khi mới đẻ, tính mệnh đứa trẻ rất mỏng manh không những thân thể nó yếu ớt mà xung quanh nó lại đầy những ma quỷ và hung thần rình lại nó, nên người ta đặt tên cho con nít những tên cực xấu để quỷ tà chê bỏ, thường lấy tên con gái đặt tên cho con trai để đánh lừa quỷ tà.
Nếu nhà hiếm muộn, khó nuôi con thường đem nít bán khoán cho Phật hay Thánh ở Chùa, Đền rồi xin áo dấu mặc cho nó.
Khi trẻ đầy một năm thì làm lễ “đầy tuổi tôi”.
Nếu là con gái thì đầy năm người ta xâu tai cho nó.
Nếu là con trai thì đầy năm người ta đặt nó xuống đất và để trước mặt nó các đồ dùng trong các nghề nghiệp như: dao, kéo, đục, cái hái, tờ giấy, bút ... rồi khấn Bà mụ để Bà xui nó chọn lấy một cái đồ trong số đó. Tương lai của đứa trẻ sẽ định theo cái đồ nó cầm lấy đó.
Trong “Hồng Lâu Mộng” có 1 đoạn Tào Tuyết Cần miêu tả khi vừa tròn 1 tuổi Giả Chính thử chí hướng của Bảo Ngọc sau này, liền đem tất cả các thứ trên đời bầy ra và bảo nó đến lấy. Ai ngờ nó không lấy thứ gì, ngoài việc thò tay lấy son phấn, kim thoa cài đầu chơi. Giả Chính không thích nói rằng sau này nó là kẻ ham mê tửu sắc. Điều này có liên quan đến tục “Trảo chu” (tạm dịch là nắm tuổi) còn gọi là “Trảo bách Ngoạn” (nắm trăm thứ đồ chơi), khi đứa trẻ tròn 1 tuổi để dự đoán tiền đồ, vận mệnh tương lai của nó. Người ta để bút, giấy, sách, bàn tính và những đồ vật làm bằng giấy .v.v... và xem đứa trẻ lấy gì.
- Nếu nó nắm được bút báo hiệu trẻ tương lai sẽ thích học hành.
- Nếu nó lấy bàn tính thì đứa trẻ sau này sẽ giỏi buôn bán.
Bảo Ngọc lấy son phấn nên Giả Chính quả quyết rằng nó sau này sẽ là kẻ ham mê tửu sắc, quả thật vậy.
Lễ vật cúng Mụ:
1. Xôi gấc: 7 nắm (nếu sinh con trai)
9 nắm (nếu sinh con gái)
2. Cua bể: 7 con (nếu sinh con trai)
9 con (nếu sinh con gái)
(Có thể thay Cua bể bằng Cua thường)
3. Trứng gà nhuộm đỏ luộc: 7 quả (nếu sinh con trai)
9 quả (nếu sinh con gái)
4. Thanh bông, hoa quả, tiền vàng, trầu cau, nến tuỳ tâm.
Tất cả được bầy trên mâm, kê cao để cúng Mụ.
VĂN KHẤN MỤ
Na Mô A Di Đà Phật ! (3 lần)
Kính lạy:
Đệ nhất Thiên tỷ đại tiên chủ
Đệ nhị Thiên Đế đại tiên chủ
Đệ tam Tiên Mụ đại tiên chủ
Thập nhị bộ tiên nương
Tam thập lục cung chư vị tiên nương
Hôm nay là ngày ........ tháng ....... năm ...........
Vợ chồng con là: ..............
Sinh được con (trai, gái) đặt tên là .........................
Nay nhân ngày đầy cữ (hoặc đầy tháng, đầy năm) thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật và các thứ cúng dâng bầy lên trước án, trước bản toạ chư vị tôn thần kính cẩn tâu trình:
Nhờ ơn thập phương Chư Phật, Chư vị Thánh hiền, Chủ Tiên Bà, các đáng Thần Linh, Thổ Công địa mạch, Thổ Địa Chính thần, Tiên Tổ nội ngoại cho con sinh ra (tên) ..................... Sinh ngày ..................
Được mẹ tròn con vuông.
Cúi xin: Chư Tiên Bà, Chư vị tôn thần giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì, vuốt ve che chở cho cháu được ăn ngon, ngủ kỹ, hay ăn chóng lớn, vô bệnh, vô tật, vô tai, vô ương, vô hạn, vô ách phù hộ cho cháu bé được thân mệnh bình yên, cường tráng, kiếp kiếp được hưởng vinh hoa phú quý. Gia đình con được phúc thọ an khang, nhân lành nẩy nở nghiệp dữ tiêu trừ, bốn mùa không hạn ách nghĩ lo.
Con xin thành tâm đỉnh lễ.