Đặt tên theo địa danh
Quê hương là những từ rất thân thiết, luôn nằm trong tâm khảm mỗi người. Quê hương không chỉ là nơi đã sinh ra chúng ta, mà còn là vườn ươm tinh thần của ta. Quê hương là "gốc rễ", là "cội nguồn", là "huyết mạch" của chúng ta. Lấy địa danh quê hương, nơi sinh sống hay nơi có ấn tượng tốt đặt tên cũng là hướng suy nghĩ tốt. Phần này cũng được đề cập trong các tập tục phần đầu cuốn sách này.
Người xưa đặt tên theo địa danh, một mặt phản ánh quan niệm luân lý truyền thống "Cha mẹ còn, sẽ không đi xa", mặt khác phản ánh tình cảm sâu nặng về quê hương, làng bản, phản ánh mong muốn tốt đẹp về cuộc sống. Thường có 3 loại đặt tên theo địa danh là nơi sinh, nguyên quán hoặc kết hợp cả 2.
(1) Đặt tên theo nơi sinh
Chúng ta cũng đã đề cập ở phần đầu cuốn sách này. Nhà văn Quách Mạt Nhược nổi tiếng tên thật là Quách Khai Trinh, sinh ra ở vùng núi Lạc Sơn Tứ Xuyên, lớn lên ở đây, để gửi gắm tình cảm sâu nặng với vùng non nước nơi này, ông đã ghép tên hai dòng sông cổ Mạt Thuỷ (tức là Đại Độ hà) và Nhược Thuỷ (tức Nhã Lung Giang) thành "Mạt Nhược".
An Đôn Phác người làng Phúc Thôn, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Mẹ ông là người Nghệ An, chuyển ra ở Phúc Thôn, sinh ra ông và người em là Lễ thì mất (không rõ bố). Hai ông được người làng nuôi ăn học. Đến khi đi thi nhờ thầy học khai tên nhưng không biết tên bố, bèn lấy tên huyện làm họ, gọi là An Đôn Phác. Còn nhiều ví dụ khác, chẳng hạn Hải Sinh (sinh trên biển), Ngọc Khương (Ngọc Hồi + Khương Thượng) ...
(2) Đặt tên theo nguyên quán.
Từ xưa đã có thay đổi về dân cư, hiện nay cùng với sự phát triển của các đô thị sự di dân càng lớn. Vì những ước vọng hay sự nghiệp mà họ tìm cách rời xa quê hương, bắt đầu cuộc sống mới, nhưng tấm lồng họ luôn hướng về cố hương. Khi đặt tên cho con, họ cũng thường dùng quê hương nguyên quán đặt tên, để tỏ lồng nhớ quê, như Hưng Yên, Nam Định, Phan Thiết ...
(3) Ghép hoặc tách địa danh quê hương hay nguyên quán
Cùng với sự thống nhất nước nhà và công cuộc đổi mới xây dựng tổ quốc, hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều thanh niên đã rời bỏ quê hương đến những nơi mà tổ quốc cần, đóng góp công sức dựng xây nước nhà, thúc đẩy kinh tế phát triển. Hầu hết đều đến nơi mới an cư lạc nghiệp, xây dựng gia đình. Khi đặt tên cho con cái họ thường nghĩ đến yếu tố quê hương như Lân Tú (xã Đức Lân, thôn Tú Sơn) ...